Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực công thương

Võ Thị Phương Thủy |31/12/2022 09:25

Kết thúc năm 2022, về giá trị sản xuất công nghiệp, trừ dầu khí (tính theo giá so sánh) của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ước đạt khoảng 346.627 tỷ đồng, tăng 10,47% so với cùng kỳ (Nghị quyết tăng 9,82%).

Tăng trưởng vượt mức kỳ vọng

Đạt được mức tăng trưởng này chủ yếu là do các yếu tố như: Trên địa tỉnh hiện có 26 dự án mới đã đi vào hoạt động chính thức trong năm 2021, sẽ tiếp tục đóng góp mức tăng trưởng (khoảng 1.052,08 tỷ đồng) vào giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh trong năm 2022. Có 10 dự án công nghiệp mới đi vào hoạt động trong những tháng đầu năm 2022, đóng góp khoảng 5.000 tỷ đồng (điển hình dự án Nhà máy sản xuất PP và kho ngầm chứa LPG của Công ty TNHH Hóa chất Hyosung Vina đã đưa vào hoạt động thương mại thêm các hạng mục Nhà máy sản xuất Poly-Propylene 2 (PP5); Nhà máy sản xuất Propane DH/OL1 ).

images1619916_dji_0328.jpg
Một số ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ

Ngoài ra, có 39 dự án tăng thêm trong năm 2022 đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2022 được duy trì và đang dần phục hồi. Ngay từ đầu năm, ngành Công Thương đã phối hợp với các Sở, ban, ngành và địa phương đề ra phương án đảm bảo hoạt động tránh đứt gãy chuỗi sản xuất tại các khu công nghiệp, nhất là của các tập đoàn lớn, đa quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế của tỉnh cũng như cả nước.

Cùng với đó, một số ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các ngành điện tử, dệt may, da – giày, chế biến thực phẩm … Tỷ trọng các dự án đầu tư sản xuất có trình độ công nghệ cao và công nghệ trung bình ngày càng tăng. Một số doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Về tổng mức bán lẻ hàng hóa cả năm 2022 đạt khoảng 59.025 tỷ đồng, tăng 12,42% so với năm 2021 (Nghị quyết tăng 11,05%). Sức mua và tiêu thụ hàng hóa tăng mạnh do thu nhập người dân ổn định sau dịch, không còn hạn chế các hoạt động mua sắm bên ngoài, từ đó thúc đẩy việc mua hàng trực tiếp cũng như trực tuyến đều tăng cao so với năm 2021, kéo theo doanh thu các nhóm hàng tăng trưởng mạnh, trong đó có một số nhóm hàng chính: hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình; vật phẩm, văn hóa, giáo dục; đá quý, kim loại quý. Ngành xây dựng và dịch vụ kinh doanh vận tải hoạt động trở lại sẽ đẩy nhóm hàng gỗ và vật liệu xây dựng; xăng, dầu các loại; nhiên liệu; nhóm ô tô con; phương tiện đi lại; doanh thu dịch vụ sữa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng trưởng so với năm 2021.

Tỉnh đã và đang tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp, cải tạo hệ thống chợ, phát triển hệ thống bán lẻ phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn tỉnh. Cùng với đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng nội địa, từ đó đã thúc đẩy hoạt động du lịch, lượng khách đến thăm quan tại tỉnh BR - VT tăng mạnh, chi tiêu các hoạt động ăn uống, đi lại, mua sắm của người dân cũng tăng theo.

Về kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô cả năm 2022 đạt khoảng 6.389 triệu USD, tăng 8,74% so với cùng kỳ 2021 (Nghị quyết tăng 8,42%). Kim ngạch nhập khẩu cả năm 2022 đạt khoảng 9.357 triệu USD, tăng 12,09% so với cùng kỳ năm 2021 (Nghị quyết tăng 11,43%).

Mở rộng thị trường tăng cường kết nối

Nguyên nhân tăng do tỉnh BR - VT đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp phát triển xuất khẩu bền vững những tháng đầu năm 2022 theo Kế hoạch số 80/KH-SCT ngày 22/9/2021. Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm kết nối thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường, khôi phục chuỗi cung ứng xuất khẩu và đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như: nông, lâm, thủy sản ... sang thị trường các nước đã dần được khôi phục trở lại sau đại dịch Covid-19.

Các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp tục tận dụng tốt cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước có nhiều tiềm năng thông qua các Hiệp định thương mại tự do của Chính phủ ký kết với các nước đã có hiệu lực. Các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục tập trung thực hiện tốt nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, phục hồi kinh tế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế; kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước.

Các dự án đầu tư sản xuất mới đi vào hoạt động trong năm 2022 góp phần thúc đẩy sản lượng sản xuất các mặt hàng xuất khẩu cũng như tăng nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để phục vụ sản xuất theo các đơn hàng mới của doanh nghiệp. Từ đó, cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng chỉ tiêu xuất - nhập khẩu trên địa bàn tỉnh trong năm 2022.

Bên cạnh kết quả đạt được nêu trên, còn tồn tại một số hạn chế: Chi phí nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tăng cao, chi phí vận tải, logistics vẫn ở mức cao, tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực còn nhiều. Một số doanh nghiệp chưa tận dụng tốt các cơ hội mà các hiệp định thương mại tư do mang lại, nhận thức của một số cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, người dân về các hiệp định và các quy tắc của quốc tế về đầu tư, kinh doanh, thị trường cũng còn hạn chế. Cuộc xung đột giữa hai quốc gia Nga và Ukraine căng thẳng càng kéo dài, các lệnh áp đặt trừng phạt của phương Tây và Mỹ càng mạnh thì doanh nghiệp VN cũng dễ bị ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình hồi phục và phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó tác động tiêu cực đến kinh tế cả nước và của tỉnh.

chuyen-hang-xuat-khau-tai-tan-cang-cai-mep-thi-vai-ba-ria-vung-tau.jpg
Tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao

Tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ đề án, dự án trọng điểm của ngành còn chậm so với kế hoạch đề ra: Đề án hình thành khu Mậu dịch tự Cái mép – Thị Vải; Đề án xây dựng Trung tâm phối phối hàng hóa tập trung kết nối sân bay Long Thành; Dự án Trung tâm Điện Lực LNG Long Sơn (giai đoạn 1)...

Mục tiêu và 7 giải pháp

Mục tiêu kế hoạch năm 2023 đảm bảo phấn đấu thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt mức bình quân các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế của ngành trong 5 năm 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và góp phần thực hiện thành công Chương trình phục hồi và phát triển KT- XH cả nước cũng như của tỉnh. Đồng thời, qua đó góp phần thực hiện thành công định hướng, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra giai đoạn 2020-2025: “Tiếp tục phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục là tỉnh đứng trong tốp đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người (đạt 10.370 USD)”.

Thứ nhất: Tiếp tục bám sát, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ phát triển ngành đã đề ra tại: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các chương trình, chiến lược phát triển dài hạn của ngành giai đoạn 2021-2030, tầm nhiền 2045 trên các lĩnh vực: Công nghiêp, năng lượng, thương mại, xuất - nhập khẩu.

Thứ hai: Tích cực phối hợp với các ngành, các cấp đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất - kinh doanh; sớm hoàn thiện đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; sớm di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường vào các cụm công nghiệp; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đẩy mạnh chuyển giao công nghệ; mở rộng danh mục sản phẩm đề xuất chứng nhận đạt chuẩn công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Thứ ba: Theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường, giá cả; tập trung đẩy mạnh Chương trình xúc tiến thương mại năm 2023; hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; thường xuyên cập nhật, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận thông tin về thị trường xuất khẩu, ngành hàng xuất khẩu.

Thứ tư: Thường xuyên theo dõi, phối hợp Công ty Điện lực tỉnh đầu tư cấp lưới điện kịp thời, đồng bộ; hỗ trợ nhà đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch. Chủ động liên hệ, làm việc với các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương để được hỗ trợ, thúc đẩy tiến độ hoàn thành các Dự án: Trung tâm Điện Lực LNG Long Sơn (giai đoạn 1); Dự án Điện Côn Đảo; các Quy hoạch liên quan đến lĩnh vực điện …

Thứ năm: Tiếp tục phối hợp các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành các đề án: Khu Mậu dịch tự Cái Mép – Thị Vải; Trung tâm phối phối hàng hóa tập trung kết nối sân bay Long Thành.

Thứ sáu: Tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành Công Thương; trọng tâm thúc đẩy hoạt động phát triển thương mại điện tử, kinh tế số, xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu ngành Công Thương. Tiếp tục triển khai mở rộng mô hình chợ 4.0 tại các chợ trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các Trung tâm Thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ, cơ sở kinh doanh hàng hóa – dịch vụ duy trì mà rở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Thứ bảy: Tiếp tục duy trì thực hiện 100% hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và giải quyết qua hình thức trực tuyến mức độ 4, đảm bảo tiến độ thời gian xử lý theo quy định; đồng thời tiếp tục thực hiện thu 100% các khoản phí, lệ phí thẩm định hồ sơ thủ tục hành chính thông qua tài khoản ngân hàng hoặc quét mã QR-Code thanh toán tại Ngân hàng, góp phần tiết giảm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp, cũng như tăng chất lượng, hiệu quả dịch vụ công.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng trưởng ấn tượng trong lĩnh vực công thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO