Bao giờ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mới hết Mua CIF, bán FOB?

TS. Võ Duy Nghi|15/06/2023 10:37

Lâu nay doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thường vẫn lựa chọn hình thức “mua CIF, bán FOB” trong các hợp đồng thương mại. Các công đoạn vận tải thường giao cho người mua hoặc người bán tự thu xếp. Chính vì vậy, các doanh nghiệp logistics Việt Nam không có cơ hội tham gia vào chuỗi logistics mà phần việc này phần lớn rơi vào tay các doanh nghiệp logistics nước ngoài.

Theo tính toán của tập đoàn tư vấn Mc Kinsey, chi phí logistics chiếm khoảng 12-20% giá trị hàng hóa thương mại điện tử. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hằng năm lên tới hàng trăm tỷ đô la Mỹ (kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 là xấp xỉ 735 tỷ đô la Mỹ) thì chi phí logistics rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài lên tới hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

portrait-beautiful-young-asian-business-woman-work-from-home-with-laptop-mobile-phone-with-cardboard-box-ready-shipping-compressed.jpeg

Yếu tố niềm tin và chi phí

Trước hết cần phải thừa nhận rằng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện vẫn thiếu niềm tin vào các doanh nghiệp logistics trong nước. Khi mua CIF hoặc bán FOB, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam giao trách nhiệm thuê tàu, lưu kho bãi và các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu cho đối tác nước ngoài. Họ tin và thực tế các đối tác nước ngoài thường làm tốt hơn vì họ có mạng lưới thầu phụ là các tập đoàn, công ty logistics lớn, đủ khả năng thuê tàu và thu xếp các thủ tục có liên quan đến hàng hóa. Thậm chí nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam còn mở rộng điều kiện hợp đồng để giao thêm trách nhiệm cho các đối tác nước ngoài. 

Cụ thể đối với doanh nghiệp xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bán hàng theo giá Ex-work (giao hàng tại xưởng/nhà máy). Như vậy các công đoạn vận chuyển nội địa, bốc xếp, thủ tục hải quan đều do người mua quyết định. Tương tự, đối với các doanh nghiệp nhập khẩu, họ sẵn sàng mở rộng điều kiện giao hàng đến chân công trường (DAP/DDP), theo đó người bán thu xếp các hoạt động logistics đến tận chân công trình. Một nghịch lý là các doanh nghiệp logistics nước ngoài sau khi trúng thầu lại thuê các doanh nghiệp logistics Việt Nam làm các công đoạn vận tải, bốc xếp trong nước với giá thấp hơn nhiều lần.

Một vấn đề cũng ảnh hưởng rất lớn đến quyết định “mua CIF, bán FOB” của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam là chi phí logistics. Nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng giao cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam thu xếp một số công đoạn logistics trên cơ sở win-win. Tuy nhiên điều đáng buồn là do năng lực yếu kém, giá cả không cạnh tranh nên rốt cuộc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng đành phải chấp nhận tập quán cũ là “mua CIF, bán FOB”. Nguyên nhân làm cho chi phí logistics của các doanh nghiệp Việt Nam thiếu cạnh tranh thì nhiều nhưng có thể thấy rõ nhất là chúng ta thiếu một đội tàu đủ mạnh và thiếu một mạng lưới chi nhánh, đại lý rộng khắp trên toàn thế giới để có thể đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng.

shanghai-container-terminal-dusk-one-largest-cargo-port-world_1-compressed.jpeg

Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam phần lớn ít có bộ phận chuyên trách về logistics nên nếu thay đổi phương thức mua bán họ sẽ phải tăng cường thêm nhân sự theo dõi mảng hoạt động logistics: thuê tàu, vận tải, thủ tục hải quan... Điều này khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu e ngại về mặt chi phí, đồng thời gánh thêm rủi ro nếu thay đổi phương thức mua bán lâu nay từ “mua CIF bán FOB” thành “mua FOB, bán CIF”.

Sớm hình thành những tập đoàn logistics của Việt Nam
Với lực lượng logistics lên đến hàng ngàn doanh nghiệp nhưng phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam bị hạn chế. Để thay đổi tập quán “mua CIF, bán FOB” lâu nay của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp logistics trong nước không còn con đường nào khác phải nâng cao năng lực cạnh tranh, hình thành ra những tập đoàn logistics lớn mạnh của Việt Nam.

Trước hết cần xây dựng một đội tàu hùng mạnh để có thể cạnh tranh với các tập đoàn vận tải biển, logistics nước ngoài. Trong hoạt động xuất nhập khẩu, chi phí vận tải biển chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng chi phí logistics nên nếu xây dựng được đội tàu biển mạnh thì chúng ta mới có thể nói đến chuyện cạnh trạnh để giành quyền vận tải. Trong điều kiện năng lực tài chính có hạn nên tập trung đầu tư trọng điểm loại tàu và tuyến phù hợp với các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trước mắt nên tập trung các tuyến vận tải gần về mặt địa lý nên có lợi thế như khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong xu thế hiện nay, nên nghiên cứu xây dựng các công ty con thuộc các công ty vận tải biển chuyên về logistics để tận dụng thế mạnh về vận tải biển. Hiện nay các tập đoàn lớn về vận tải biển trên thế giới đều phát triển theo xu thế này như: Costco, Maersk...

handsome-young-man-working-with-papers-compressed.jpeg

Các công ty logistics trong nước cần liên doanh, liên kết để xây dựng hệ thống chi nhánh, đại lý, đối tác khắp toàn cầu để có thể đáp ứng bất kỳ nhu cầu dịch vụ logistics nào của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Một trong những giải pháp nhanh chóng và hiệu quả nhất là tham gia các hiệp hội chủ hàng, chủ tàu, hiệp hội logistics có uy tín trên thế giới để phát triển mạng lưới kinh doanh. Thông qua hệ thống đối tác, đại lý trong hiệp hội các doanh nghiệp logistics trong nước có thể cung cấp các dịch vụ vận tải nội địa, thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu với chất lượng tốt, giá cạnh tranh hơn.

Xét cho cùng, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay bất cứ ngành nào khác đều đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu. Vì vậy chỉ có thể thay đổi tập quán “mua CIF, bán FOB” khi họ cảm thấy có lợi. Nếu các doanh nghiệp logistics trong nước có thể chào giá cạnh tranh, chất lượng dịch vụ tốt thì chắc chắn các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ thay đổi sự lựa chọn của mình.

Về mặt quản lý nhà nước, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 1254/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt Đề án phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam. Cần nhanh chóng triển khai đề án đi vào cuộc sống, đồng thời cần thận trọng rút kinh nghiệm trước đây về việc phát triển đội tàu Vinalines để việc đầu tư đúng trọng điểm, đúng nhu cầu phát triển hoạt động logistics và xuất nhập khẩu. Thiết nghĩ, chính phủ cũng nên có các chính sách ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu, thuế VAT để khuyến khích các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ logistics do các doanh nghiệp Việt Nam cung cấp nhằm khuyến khích thêm các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thay đổi tập quán mua bán lâu nay.

Bài liên quan
  • Xuất nhập khẩu và "gánh nặng" chi phí logistics
    Chi phí logistics bao gồm: lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, vận chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan... chiếm tỷ lệ khá lớn trong tổng giá thành sản phẩm. Chi phí này càng tăng cao sẽ kéo theo giá thành hàng hóa tăng theo. Ở Việt Nam, chi phí logistics đang là “thách thức” không nhỏ đối với doanh nghiệp và hàng hóa xuất nhập khẩu hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Bao giờ doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam mới hết Mua CIF, bán FOB?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO