Với khung pháp lý mới về trái phiếu doanh nghiệp nêu trên, sau 6 tháng triển khai, thị trường TPDN duy trì đà tăng trưởng và có một số kết quả tích cực, cụ thể:
Thứ nhất, trong 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng; tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2020; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng, tương đương 50,3% khối lượng phát hành của năm 2020, chiếm 8,3% tổng khối lượng TPDN phát hành cho thấy bước đầu có sự dịch chuyển từ phát hành riêng lẻ sang phát hành ra công chúng, đây là tín hiệu tốt trên thị trường TPDN.
Thứ hai, TCTD là nhà phát hành lớn nhất chiếm 40,2% tổng khối lượng phát hành; khối lượng trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ năm 2020 (chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành). Lãi suất phát hành bình quân 6 tháng đầu năm 2021 là 7,9%/năm, giảm 1,6%/năm so với cùng kỳ năm 2020 (9,5%/năm).
Thứ ba, về nhà đầu tư: công ty chứng khoán là nhà đầu tư chính trên thị trường sơ cấp, chiếm 44,4% tổng khối lượng phát hành, TCTD chiếm 25% tổng khối lượng phát hành. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua TPDN riêng lẻ trên thị trường sơ cấp chiếm 5,7% khối lượng phát hành, giảm mạnh so với tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân năm 2020 (là 12,68%); cho thấy các quy định mới tại Nghị định số 153 có tác động hạn chế các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có khả năng đánh giá rủi ro đầu tư TPDN phát hành riêng lẻ, bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư này.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, cùng với xu hướng dịch chuyển vốn huy động từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu, trên thị trường TPDN vẫn còn những rủi ro tiềm ẩn cho bản thân doanh nghiệp, nhà đầu tư và thị trường nói chung, vấn đề này cơ quan quản lý Nhà nước cũng đã nhiều lần khuyến cáo, cụ thể:
Đối với doanh nghiệp phát hành: Doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu, lãi suất cao, nhưng sử dụng vốn không hiệu quả hoặc tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn, hoặc lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn, dẫn đến việc doanh nghiệp không hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu cho nhà đầu tư sẽ gây bất ổn cho thị trường trái phiếu nói riêng và thị trường tài chính nói chung.
Đối với nhà đầu tư mua trái phiếu: pháp luật quy định nhà đầu tư tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm về việc mua TPDN riêng lẻ. Theo đó, pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là đối tượng được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua TPDN phát hành riêng lẻ.
Do đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp với mục đích để mua TPDN riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro, không nắm rõ điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trái phiếu có hay không có tài sản đảm bảo, chất lượng tài sản đảm bảo, trái phiếu có được mua lại hay không... sẽ trực tiếp gây ra rủi ro cho nhà đầu tư, và nhà đầu tư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.
Nhà đầu tư có thể vi phạm quy định của pháp luật nếu cơ quan quản lý nhà nước phát hiện được các hành vi “lách” quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Có hiện tượng tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, NHTM) chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng cho nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, các trường hợp này sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tăng cường kiểm tra việc cung cấp dịch vụ về TPDN của các tổ chức cung cấp dịch vụ để xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Đẩy mạnh thanh kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 7048/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán nhà nước; Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý giá; Thanh tra Bộ Tài chính; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Chỉ thị số 01/CT-BTC chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ.
Sau khi có Chỉ thị số 01/CT-BTC, việc phát hành TPDN có giảm mạnh trong tháng 4/2022, nhưng đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng). Qua theo dõi, giám sát việc phát hành TPDN thấy xuất hiện một số hành vi bất thường, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường chứng khoán.
Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị nêu trên căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các hoạt động trên thị trường TPDN.
Bộ trưởng Bộ Tài chính giao các đơn vị: Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính và các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm.
Thanh tra Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành. Khi phát hiện vi phạm các quy định pháp luật thì theo mức độ vi phạm, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính nghiêm minh theo quy định hoặc chuyển cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau khi thực hiện thanh tra, kiểm tra, khẩn trương thực hiện công bố thông tin rộng rãi các hành vi vi phạm và hình thức xử phạt vi phạm hành chính để chấn chỉnh, đảm bảo minh bạch thị trường.
Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, không đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khi cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính, các hồ sơ công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá; đặc biệt cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành TPDN; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.