Đấu giá đất gặp nhiều khó khăn
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoan 2021-2025 trên địa bàn tỉnh sau điều chỉnh, tổng vốn đầu tư công của tỉnh là hơn 93 ngàn tỷ đồng. Trong số này có khoảng 45 ngàn tỷ đồng dự kiến thu từ việc khai thác quỹ đất.
Như vậy, trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, nguồn thu từ đấu giá đất chiếm gần 50% kế hoạch vốn. Tuy nhiên, thời gian qua, việc đấu giá đất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khiến cho kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh có nguy cơ bị thiếu hụt vốn.
Theo UBND tỉnh, tính đến hết năm 2022, nguồn vốn huy động được từ khai thác đấu giá quỹ đất mới chỉ đạt hơn 5,6 ngàn tỷ đồng. Do đó, để có thể đạt được kế hoạch, trong 3 năm từ 2023-2025, Đồng Nai phải huy động được hơn 39 ngàn tỷ đồng từ nguồn đấu giá quỹ đất. Đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh thị trường bất động sản đang gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, Đồng Nai dự kiến thu về khoảng 4 ngàn tỷ đồng từ việc bán đấu giá đất. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thể hoàn thành vì không có khu đất nào được đấu giá thành công.
Thực tế, trong hơn 1 năm trở lại đây, việc đấu giá các khu đất gặp rất nhiều khó khăn nên tiến độ thực hiện rất chậm.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Trần Thế Vinh cho hay, vừa qua, Sở TN-MT đã thực hiện rà soát các khu đất trên địa bàn tỉnh có khả năng đủ các điều kiện để thực hiện bán đấu giá đến năm 2025. Tính theo bảng giá đất hiện tại, tổng giá trị các khu đất nếu bán đấu giá thành công sẽ đưa về nguồn vốn hơn 15 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, ông Vinh cho biết, theo dự kiến, năm 2023, tỉnh sẽ đưa ra bán đấu giá 3 khu đất với tổng giá trị khoảng 639 tỷ đồng; năm 2024, dự kiến sẽ bán đấu giá 7 khu đất với tổng giá trị dự kiến khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng và năm 2025, dự kiến bán đấu giá 19 khu đất với tổng giá trị dự kiến khoảng 12,2 ngàn tỷ đồng.
Đề xuất các giải pháp đảm bảo nguồn vốn
Mới đây, Sở KH-ĐT đã làm việc với các đơn vị liên quan để rà soát, đề xuất giải pháp về nguồn vốn đầu tư công năm 2024 và 2025 của tỉnh. Đồng thời, có văn bản báo cáo UBND tỉnh về các giải pháp đề xuất.
Ông Đào Công Tùng, Phó trưởng Phòng Đấu thầu, Thẩm định và Giám sát đầu tư, Sở KH-ĐT cho biết, qua làm việc, các cơ quan liên quan đã thống nhất đề xuất UBND tỉnh 2 giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư công trong thời gian tới.
Cụ thể, các cơ quan chức năng tiếp tục phối hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đấu giá đất, đặc biệt là các khu đất thu hồi từ đất trồng cây cao su để đẩy nhanh tiến độ đấu giá nhằm tạo nguồn thu kịp thời cho nhu cầu đầu tư các dự án theo tiến độ của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng sẽ làm việc với các địa phương cấp huyện để rà soát, bổ sung thêm các khu đất lợi thế có khả năng sớm hoàn thiện các thủ tục đấu giá đất vào kế hoạch đấu giá đất giai đoạn 2023-2025 để triển khai thực hiện. “Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng sẽ xây dựng cụ thể lộ trình thực hiện hàng năm của 3 năm còn lại để triển khai thực hiện”- ông Đào Công Tùng cho biết.
Cùng với giải pháp trên, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng thống nhất tiếp tục kiến nghị Bộ Tài chính cho phép tỉnh giữ lại nguồn vốn thoái vốn doanh nghiệp của tỉnh khoảng 350 tỷ đồng để đầu tư các dự án quan trọng của tỉnh.
Ngoài 2 giải pháp trên, riêng Sở KH-ĐT cũng đề xuất thêm các giải pháp khác. Theo đó, tại Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND ngày 10-12-2022 của HĐND tỉnh có quy định tỷ lệ phân bổ đối với nguồn thu sử dụng đất là nộp quỹ nhà 10%; quỹ đất 30% và 60% còn lại cấp huyện được chi cho đầu tư. Do đó, Sở KH-ĐT kiến nghị sử dụng phần thu vượt so với kế hoạch trung ương giao đầu năm của chỉ tiêu thu nộp quỹ nhà 10% và quỹ đất 30% để bổ sung nguồn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Rà soát nguồn thu vượt xổ số kiến thiết các năm trước (nếu có) để bổ sung nguồn thu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.