Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương

01/01/1970 08:00

(VLR) Trong ngoại thương, hợp đồng đóng vai trò thành bại của một thương vụ. Sau nhiều năm nền kinh tế mở cửa, quan hệ thương mại giữa VN và thế giới gia tăng, các nhà kinh doanh ngoại thương, XNK VN đã dần xây dựng nên những hợp đồng kinh tế chặt chẽ, chuẩn mực hơn. Tuy nhiên, khi các thương vụ nảy sinh trục trặc, các hợp đồng thương mại lại để lộ ra nhiều thiếu sót, trong đó có sự thiếu sót của Điều khoản giải quyết tranh chấp hay Thỏa thuận trọng tài.

Trong ngoại thương, hợp đồng đóng vai trò thành bại của một thương vụ. Sau nhiều năm nền kinh tế mở cửa, quan hệ thương mại giữa VN và thế giới gia tăng, các nhà kinh doanh ngoại thương, XNK VN đã dần xây dựng nên những hợp đồng kinh tế chặt chẽ, chuẩn mực hơn. Tuy nhiên, khi các thương vụ nảy sinh trục trặc, các hợp đồng thương mại lại để lộ ra nhiều thiếu sót, trong đó có sự thiếu sót của Điều khoản giải quyết tranh chấp hay Thỏa thuận trọng tài.

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP BẰNG THỎA THUẬN TRỌNG TÀI

Các vụ phát sinh tranh chấp thường gặp trong các trường hợp như: hợp đồng mua bán tàu và điều khoản “As is where is” (mua nguyên trạng); vấn đề lưu kho quá hạn, quyền được xử lý hàng hóa trong vận tải biển; tranh chấp về L/C, bảo lãnh ngân hàng; việc bên mua từ chối nhận hàng trong ngoại thương; các thỏa thuận về kiểm định, kiểm hóa…

Khi có tranh chấp xảy ra, ở VN cũng như ở nước ngoài đều tồn tại song song hai thể thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài và giải quyết tranh chấp bằng Tòa án nhà nước (ở VN là Tòa án nhân dân). Trong những năm gần đây, yêu cầu giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài gia tăng.

Cũng như tùy loại hợp đồng, có những điều khoản chuyên biệt, thì cũng tùy vào lĩnh vực, có những trọng tài chuyên môn, chuyên ngành. Thực tế, trong lĩnh vực logistics ở VN còn khá “mù mờ” từ trong luật định. Nên khi xảy ra tranh chấp, việc xét xử bằng tòa án với những luật sư không chuyên ngành gây ít nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, VN hiện có rất ít điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành bản án ở nước ngoài nên việc công nhận hay không công nhận và cho thi hành quyết định của Tòa án VN phụ thuộc nhiều vào pháp luật nước ngoài. Nhìn chung, Tòa án VN không “mặn mà” với quyết định của Tòa án nước ngoài. Nhiều quyết định, bản án nước ngoài đã không được công nhận tại VN vì nhiều lý do. Và Tòa án nước ngoài cũng không mặn mà với quyết định của Tòa án VN. Do đó, việc quy định rõ các điều khoản tranh chấp trong hợp đồng là một điều không thể thiếu, để giải quyết mâu thuẫn khi có tranh chấp xảy ra.

So với thủ tục, tố tụng trước Tòa án, thủ tục, tố tụng giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài đề cao hơn sự tự chủ, định đoạt của các bên và điều này được thể hiện rõ ở địa điểm giải quyết tranh chấp. Tùy vào hoàn cảnh các bên hoàn toàn có thể lựa chọn địa điểm giải quyết tranh chấp ở VN cũng như ở nước ngoài.

LƯU Ý KHI KÝ KẾT HỢP ĐỒNG

Hợp đồng thương mại cần xác định rõ việc lựa chọn trọng tài và luật quy định hay các vấn đề liên quan ngay từ bước đàm phán. Nơi giải quyết tranh chấp cũng ảnh hưởng đến kết luận phán quyết. Nếu trong hợp đồng không thỏa thuận các vấn đề này, thì Hội đồng Trọng tài sẽ là người quyết định.

Trong thực tế, có rất nhiều hợp đồng không quy định điều này. Một số hợp đồng chỉ ghi “theo ACC” nhưng lại không ghi rõ theo luật, khi tranh chấp xảy ra sẽ rất lúng túng trong việc giải quyết mâu thuẫn.

Trong việc soạn thảo hợp đồng, chỉ khi hình thức hợp đồng hợp lệ thì các điều khoản mới hợp lệ. Những người soạn thảo hợp đồng nên lấy những điều khoản mẫu, đồng thời có tư vấn từ những luật sư chuyên môn để điều chỉnh, bổ sung cho đúng với trường hợp của mình. Thỏa thuận trọng tài mẫu do các nhà luật thiết kế, được tính toán chặt chẽ, việc nghiên cứu điều chỉnh không khéo sẽ làm mất hiệu lực của hợp đồng.

Về người được lựa chọn làm Trọng tài viên, các bên có thể lựa chọn người trong danh sách của Trung tâm trọng tài cũng như người không nằm trong danh sách của Trung tâm. Trọng tài viên được các bên lựa chọn còn có thể là người VN hay người nước ngoài và đây là điểm khác biệt khá quan trọng so với giải quyết tranh chấp tại Tòa án, vì Thẩm phán được phân công giải quyết tranh chấp phải là công dân VN. Những trọng tài chuyên ngành có những điều lệ và quy tắc riêng của họ. Do vậy, các nhà kinh doanh ngoại thương cần phải tìm hiểu rõ trước khi lựa chọn trọng tài cho thương vụ của mình.

Việc Thỏa thuận trọng tài không nhất thiết phải nằm trong hợp đồng, có thể là thỏa thuận riêng hoặc nằm trong một văn bản khác được tham chiếu đến trong hợp đồng, ví dụ như hợp đồng FIDIC, hợp đồng giáp lưng, các tham chiếu đến điều kiện/điều khoản mẫu…

Trong Điều khoản giải quyết tranh chấp hay Thỏa thuận trọng tài, có ba đặc tính cần lưu ý: thứ nhất, khi trong hợp đồng đã chọn trọng tài thì tòa án không được giải quyết, đặc tính này mang tính chất rất quan trọng, vì dùng để “đấu nhau”; thứ hai, thỏa thuận trọng tài có hiệu lực với hợp đồng chính; cuối cùng, cần ghi nhớ là phán quyết của trọng tài có hiệu lực chung thẩm, và không được kháng cáo như tòa án.

Những vấn đề nảy sinh tranh chấp trong ngoại thương từ các hợp đồng thiếu chặt chẽ xuất phát từ việc yếu kém về mặt pháp lý. Thực tế, ở VN các chuyên gia về luật trong ngành logistics không nhiều. Việc chuyên ngành quá sâu, nhiều luật sư phải làm việc riêng cho các tập đoàn, công ty với các hợp đồng có đặc thù riêng. Tuy nhiên, có nhiều công ty trong ngành không hiểu cặn kẽ hết vấn đề luật pháp, nhưng không phải công ty nào cũng có luật sư tư vấn. Từ việc “muốn” kiếm được hợp đồng, dịch vụ, nên nhiều công ty đã “ký đại”, dễ dẫn đến nhưng sai sót.

Theo lời khuyên từ các chuyên gia, các nhà kinh doanh ngoại thương nên lưu ý đến vấn đề Điều khoản giải quyết tranh chấp từ vòng đàm phán. Hai bên đối tác cần lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp (tòa án hay trọng tài), luật hay quy tắc tố tụng, địa điểm, thời gian, ngôn ngữ xét xử… Trong tiền tố tụng, các doanh nghiệp cần rà soát các cơ sở pháp lý, tìm chiến lược giải quyết phù hợp. Đồng thời, các trao đổi cần nhất quán, rõ ràng, không sử dụng các ngôn ngữ thể hiện thế yếu hoặc nhận lỗi. Quan trọng nhất là phải chuẩn bị hồ sơ, chứng cứ, phải có tư vấn từ các luật sư chuyên môn.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến của các DN trong ngành logistics VN cho rằng, mặc dù trên pháp luật, hợp đồng là bình đẳng, nhưng chúng ta đã mất bình đẳng từ vòng đàm phán. Thực tế, trong hợp đồng có vấn đề “kẻ trên người dưới”, có nhiều sự áp đặt từ chính trong các điều khoản hợp đồng. Đa số các Điều khoản giải quyết tranh chấp nếu có trong hợp đồng đều do đối tác quyết định từ việc lựa chọn luật định, chọn trọng tài,… cho đến địa điểm và thời gian giải quyết tranh chấp.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng ngoại thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO