Nguồn gốc và hành trình cây cà phê đến Việt Nam
Loài cây này được phát hiện bất ngờ và thú vị từ câu chuyện gắn với người chăn dê ở Ethiopia. Thế kỷ thứ XIX, cậu bé chăn dê vùng Kaffa đã phát hiện ra loài cây với màu hoa trắng, quả đỏ mà khi những con dê ăn vào thì hưng phấn chạy nhảy vui vẻ không biết mệt mỏi. Cậu bé ăn thử thì thấy tỉnh táo và báo chuyện này cho vị quản nhiệm ở tu viện gần đó. Tuy nhiên, vị tu sĩ này sợ hãi vì cho rằng loại quả này có thể là trái cấm của quỷ dữ nên vứt ngay vào lò lửa. Nhưng lúc quả màu đỏ cháy xém lại toả ra mùi thơm khiến tinh thần khoan khoái dễ chịu. Khi đó, tu sĩ và những người bạn của mình mới tin rằng đó là loại quả của Thượng đế ban tặng. Họ rang hạt cà phê và giã nhỏ pha với nước để thưởng thức. Cũng chính vì Kaffa là nơi đầu tiên phát hiện ra loại cây này nên được đặt tên là cây cà phê (caffe).
Năm 1857, cây cà phê được du nhập vào Việt Nam bởi những người Pháp truyền giáo mang đến. Giống cà phê đầu tiên được trồng ở các tỉnh phía Bắc như Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, sau đó lan đến các tỉnh miền Trung như Quảng Bình. Khi cây cà phê được mang đến các tỉnh phía Nam của Tây Nguyên và Nam Bộ, người ta phát hiện ra vùng đất đỏ là nơi thích hợp nhất để trồng cà phê.
Trồng và xuất khẩu cà phê ở Việt Nam
Đầu thế kỷ XX, các đồn điền ở Việt Nam trồng ba loại cà phê, cà phê Arabica với giống Typica, cà phê Canephora với giống Robusta và cà phê Liberica cùng với giống Excelsa. Tuy nhiên, những năm 1960 - 1970, tình hình phát triển cà phê không mấy khả quan, người ta còn kết luận không trồng được cà phê ở phía Bắc.
Năm 1986, sau cải cách kinh tế, Chính phủ Việt Nam tập trung nguồn lực vào lĩnh vực cà phê, nhằm mục đích chuyển đổi cà phê thành ngành nông nghiệp quan trọng. Tới năm 1990, sau hơn một thế kỷ, Việt Nam trở thành nhà sản xuất cà phê hàng đầu ở Đông Nam Á sau Brazil (nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê xanh thứ hai trên thế giới). Cà phê chủ yếu là hạt Robusta chiếm khoảng 92%, giống Arabica chỉ đạt 5% tổng sản lượng của cả nước.
Năm 2023, theo tính toán từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng cà phê xuất khẩu đạt khoảng 1,72 triệu tấn, thu về 4,2 tỷ USD, đây là mốc kỷ lục mới về giá trị kim ngạch vì tăng 200 triệu USD so với kỷ lục năm ngoái.
Nhiều thách thức trong xuất khẩu cà phê
Cà phê là một trong 10 sản phẩm chủ lực của Việt Nam được xuất khẩu sang 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh những thuận lợi thì ngành cà phê Việt Nam cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trên thị trường xuất khẩu.
Mặc dù sản lượng xuất khẩu nhiều nhưng chất lượng thì chưa được thừa nhận, giá trị hạt cà phê ở Việt Nam chưa cao. Việc xuất khẩu cà phê nhân chiếm đại đa số, còn chế biến sâu thì chỉ đạt 12%. Vì vậy việc khuyến khích doanh nghiệp xây dựng thương hiệu để phát triển sản phẩm, xây dựng các chiến lược quảng bá hình ảnh, truyền thông và đào tạo là việc hết sức cần thiết và cần được quan tâm.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp cà phê trong nước cũng đã thay đổi phương thức sản xuất, tiêu biểu là cái bắt tay giữa doanh nghiệp chế biến và người nông dân. Trên tổng diện tích khoảng 600.000 ha cà phê ở Tây Nguyên, hiện có khoảng 50% diện tích trồng cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để hạt cà phê đảm bảo chất lượng, tiêu chuẩn trong việc xuất khẩu.
Cùng với đó là việc cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu khác, nhất là Brazil bởi quốc gia này với diện tích và sản lượng đang tăng mạnh hàng năm. Thực trạng trồng cà phê ở Việt Nam những năm gần đây cũng có nhiều biến chuyển, do giá cà phê xuống nên người dân chuyển hướng sang xen canh các loại cây ăn quả như xoài, sầu riêng. Cây cà phê già cỗi sẽ cho năng suất thấp, chất lượng kém nên việc tái canh các vườn cà phê lâu năm để trồng mới các giống cà phê chất lượng cao, năng suất tốt là việc cần thiết, cấp bách.
Mới đây, qui định của Liên minh châu Âu (EU) nhiều sản phẩm từ cà phê, ca cao, gỗ và cao su nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá sẽ không được xuất khẩu vào thị trường này. Mà thị trường châu Âu chiếm khoảng 45% trong tổng lượng trên dưới 1,6 – 1,7 triệu tấn cà phê xuất khẩu mỗi năm. Mặc dù, diện tích cà phê trồng ở Tây Nguyên đều hợp pháp, không phải do phá rừng hay suy thoái rừng nhưng việc chứng minh nguồn gốc theo qui định không phải dễ. Tuy vậy, đây cũng là tín hiệu để các doanh nghiệp có thể khẳng định nguồn gốc, giá trị của cà phê Việt Nam vào các thị trường khó tính nêu trên.