Kinh tế Việt Nam năm 2022, vài nét "phác họa"

Từ Tâm (tổng hợp)|16/12/2022 06:44

Những kết quả, thành tựu trong 1 năm qua giúp củng cố thêm các nền tảng để thực hiện các mục tiêu phát triển tới năm 2025 và các năm tiếp theo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả

Kinh tế - một vài nét "phác họa"

Năm 2021, trở thành một trong những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với "kỳ tích vaccine"; năm 2022, GDP có thể tăng trưởng cao vượt kịch bản dự kiến và cao hàng đầu khu vực, đồng thời giữ vững ổn định trên các lĩnh vực.

Ngày 29/9/2021, Tổng cục Thống kê công bố tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước. "Đây là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay", theo lãnh đạo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế lớn nhất của cả nước, mức giảm còn lớn hơn. Quý III năm 2021, chỉ số GRDP là -24,39%; tính chung 9 tháng đầu năm 2021 là -4,98%. Đây là con số "kỷ lục" mà xưa giờ chưa từng có.

Đúng một năm sau, ngày 29/9/2022, Tổng cục Thống kê thông báo GDP Quý III tăng trưởng 13,67%, giúp GDP 9 tháng đạt 8,83, lập kỷ lục cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011.

anhviber2022-10-0515-00-19-977-1665482156761200751068.png
Biểu đồ minh họa: Nguồn: VPG

Những kết quả này không tự nhiên mà có, mà là nỗ lực của cả nước, của các cấp, các ngành, trong đó có của tập thể lãnh đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Riêng với ngành, ông nhắc tới việc ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ "liên tục viết thư" cho các Phó Thủ tướng và lãnh đạo Bộ Công Thương để chỉ đạo.

Để thúc đẩy xuất khẩu khi các thị trường lớn đang bị tác động mạnh, bị thu hẹp, trong 1 tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có 2 cuộc làm việc với các thương vụ, cơ quan đại diện ngoại giao để giải bài toán thị trường, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống mà còn mở rộng ra các thị trường mới. Và điều này đã mang lại kết quả rõ rệt. Xuất nhập khẩu tăng cao ngoạn mục, hàng hóa trong nước dồi dào, cung cầu được cân đối, bảo đảm, nhất là nguyên, nhiên liệu cho sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Kết quả, chỉ số công nghiệp tăng 9,6% trong 9 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với con số 3,9% của cùng kỳ năm 2021 và cũng cao hơn nhiều so với mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, trong đó 2 nhóm ngành tăng cao nhất là công nghiệp chế biến tăng 10,4% và ngành sản xuất điện tăng 7,5%. Điện tăng 7,5% tương ứng với mức tăng hơn 10% của nền kinh tế, bởi 1% điểm tăng trưởng về điện tương ứng với khoảng 1,4-1,5% điểm tăng trưởng kinh tế, đây là tín hiệu rất đáng mừng và số liệu nói lên tất cả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8% đến 8,2%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023. Còn các tổ chức quốc tế đưa ra các con số dự báo có phần khác nhau nhưng đều đồng thuận quan điểm tăng trưởng của Việt Nam có thể cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (Moody's, WB, IMF, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 8,5%, 7,2%, 7%, 6,5%).

Theo đánh giá chung, những kết quả, thành tựu trong 1 năm qua giúp củng cố thêm các nền tảng để thực hiện các mục tiêu phát triển tới năm 2025 và các năm tiếp theo, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

TP.Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước

Không chỉ là địa phương đầu tiên cán mốc 100 tỷ USD về kim ngạch xuất nhập khẩu, TP. Hồ Chí Minh cũng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu với 43,6 tỷ USD. Hết tháng 11/2022, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của TP. Hồ Chí Minh đạt 101,58 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 43,62 tỷ USD, nhập khẩu 57,96 tỷ USD.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, TP. Hồ Chí Minh là địa phương có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất và là địa phương đầu tiên của cả nước đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 100 tỷ USD.

Tiếp ngay sau TP. Hồ Chí Minh - địa phương dẫn đầu cả nước với trị giá xuất khẩu (43,6 tỷ USD), là tỉnh Bắc Ninh với tổng kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đầu năm 2022 đạt 42,4 tỷ USD.

Xếp vị trí thứ 3 là Bình Dương với kim ngạch xuất khẩu đạt 31,5 tỷ USD; Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 4 với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 28,4 tỷ USD; Đồng Nai xếp ở vị trí thứ 5 với trị giá xuất khẩu đạt 22,6 tỷ USD.

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của các địa phương như Bắc Ninh, Bình Dương, Thái Nguyên và Đồng Nai trong 11 tháng đầu năm lần lượt đạt 36,1 tỷ USD, 22,8 tỷ USD, 16,9 tỷ USD và 17,4 tỷ USD.

Tính chung 11 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 673,7 tỷ USD, tăng 11,8%, tương ứng tăng 70,92 tỷ USD so với cùng kỳ 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt 342,19 tỷ USD, tăng 13,4% (tương ứng tăng 40,5 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 331,51 tỷ USD, tăng 10,1% (tương ứng tăng 30,42 tỷ USD). Như vậy, hết tháng 11/2022, cả nước xuất siêu 10,68 tỷ USD.

Với quy mô kim ngạch đạt bình quân hơn 61 tỷ USD/tháng, giữa tháng 12, xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mốc mới 700 tỷ USD và cả năm ước đạt hơn 730 tỷ USD.

Ngoài ra, xét kim ngạch xuất khẩu theo địa phương, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, có 9 địa phương có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Thái Nguyên và TP. Hồ Chí Minh.

cat-lai-01.jpg
Nhộn nhịp Cái Lái (TP.HCM). Ảnh: Internet

* Theo công bố của Tổ chức Thương mại thế giới, trong năm 2006 nền kinh tế Việt Nam được xếp hạng thứ 50 trên thế giới về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 44 về nhập khẩu hàng hóa. Sau hơn 10 năm, đến năm 2018, Việt Nam đã có bước tăng ấn tượng, xếp thứ 26 về xuất khẩu và thứ 23 về nhập khẩu. Theo đó, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

Với xếp hạng gần đây trong năm 2021, Tổ chức Thương mại thế giới ghi nhận xuất khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 23 trên thế giới và nhập khẩu của Việt Nam xếp hạng thứ 20 trên thế giới. Trong ASEAN, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trị
thứ 2 (chỉ sau Singapore) và nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam có vị trí thứ 2 (chỉ sau Singapore).

Với kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa ấn tượng ghi nhận trong năm 2022, thứ hạng xuất khẩu nhập của nước ta có thể được nâng cao trên phạm vi toàn cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Việt Nam năm 2022, vài nét "phác họa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO