Các quốc gia nổi bật
Không kể các nước có mức độ phát triển chậm như Myanmar, Campuchia, Lào… thì ở khu vực Đông Nam Á - Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia là 05 quốc gia được ghi nhận có thị trường tiềm năng và năng lực phát triển kinh doanh ngành dịch vụ logistics khá tốt. Riêng Singapore nhiều năm liền là quốc gia được xếp ở top đầu khu vực và thế giới theo chỉ số hiệu quả logistics (LPI) do Ngân hàng thế giới (WB) phát triển, nhằm đánh giá và so sánh hiệu quả logistics của các quốc gia trên toàn cầu.
Bảng xếp hạng LPI (Logistics Performance Index) năm 2023 của các quốc gia Singapore, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Indonesia:
Quốc gia |
Thứ hạng |
Điểm số |
Singapore |
1 |
4.3 |
Malaysia |
26 |
3.5 |
Thái Lan |
34 |
3.4 |
Việt Nam |
43 |
3.3 |
Indonesia |
61 |
3.0 |
Singapore giữ vị trí hàng đầu trong ASEAN và thế giới, với điểm số 4.3. Malaysia đạt hạng 26, là quốc gia ASEAN xếp hạng cao thứ hai sau Singapore. Thái Lan đứng thứ 34, Việt Nam giữ hạng 43. Indonesia xếp thứ 61
(Theo LPI - World Bank & KEN LOGISTICS)
- Singapore: Dẫn đầu toàn cầu trong chỉ số LPI, cho thấy hệ thống logistics của quốc gia này hoạt động rất hiệu quả.
- Malaysia: Tăng từ vị trí 41 (năm 2018) lên 26 (năm 2023), cho thấy sự cải thiện đáng kể.
- Thái Lan: Giữ vị trí ổn định trong khu vực.
- Việt Nam: Dù giảm 4 bậc so với năm 2018 nhưng vẫn trong top 5 ASEAN.
- Indonesia: Đứng thứ 61, còn nhiều thách thức để cải thiện hệ thống logistics.
Indonesia là thị trường logistics lớn nhất Đông Nam Á với dân số 268 triệu người. Indonesia đã đạt được nhiều tiến bộ về cơ sở hạ tầng và chính sách hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ logistics nội địa. Tuy nhiên, chi phí logistics vẫn cao, chiếm 22% GDP vào năm 2020 và mục tiêu giảm xuống 19% GDP vào năm 2024.
Singapore được xem là trung tâm logistics hàng đầu trong khu vực nhờ cơ sở hạ tầng hiện đại và môi trường kinh doanh thuận lợi. Singapore không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa mà còn là điểm kết nối quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu".
Malaysia và Thái Lan là hai quốc gia này cũng đang phát triển mạnh về logistics, với nhiều dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và cải tiến quy trình logistics để tăng cường hiệu quả và giảm chi phí.
Việt Nam được nhận định là một trong những thị trường logistics phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế và sự phát triển nhanh của thương mại điện tử. Theo báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành logistics Việt Nam đóng góp khoảng 4-5% vào GDP của quốc gia và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
Điểm danh các công ty đi đầu công nghệ
Nhiều công ty logistics lớn đang hoạt động tại Đông Nam Á, bao gồm DHL Group, SF Express, và các nhà cung cấp nội địa như Waresix, J&T Express, và Paxel. Các công ty này đang tập trung vào việc ứng dụng công nghệ để cải thiện hiệu quả vận hành, giảm thời gian vận chuyển, và tăng cường tính minh bạch trong chuỗi cung ứng.
Waresix: Tập trung vào công nghệ tích hợp để kết nối người gửi hàng với các đội xe vận tải qua mạng lưới rộng lớn của họ, bao gồm cả vận tải đường bộ và đường biển.
Paxel: Chuyên cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh trong ngày, tận dụng các mô hình tuyến đường tối ưu hóa bằng thuật toán và hệ thống tủ khóa thông minh để tăng hiệu quả giao hàng.
Cơ hội có, nhưng… còn nhiều thách thức
Mặc dù ngành logistics được ghi nhận là đang phát triển nhanh, nhưng nhìn trong tổng thể vẫn còn nhiều thách thức cần phải thay đổi và vượt qua như:
Chi phí Logistics cao: Mặc dù có nhiều cải tiến, nhưng chi phí logistics ở một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á vẫn đang ở mức cao so với các thị trường phát triển.
Hạ tầng giao thông: Các quốc gia như Indonesia gặp khó khăn với hệ thống giao thông chưa phát triển đầy đủ, ảnh hưởng đến khả năng giao hàng đặc biệt là ở khu vực nông thôn và hải đảo.
Việt Nam, mặc dù đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng chi phí logistics của Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 20-25% GDP, so với mức trung bình của thế giới là khoảng 10-15% GDP. Điều này đặt ra một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở quốc gia này.
Ứng dụng công nghệ: Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như quản lý dữ liệu thời gian thực, hệ thống quản lý vận tải, tự động hóa quy trình Indonesia, Việt Nam,… vẫn còn hạn chế và cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn.
Nhìn chung, ngành dịch vụ logistics ở khu vực Đông Nam Á đang trên đà phát triển mạnh nhờ vào sự tăng trưởng của thương mại điện tử và cải tiến về cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, các thách thức về chi phí và hạ tầng vẫn cần được giải quyết để tăng cường năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững của khu vực này. Việc ứng dụng công nghệ sẽ là chìa khóa để các công ty logistics trong khu vực nâng cao hiệu quả và đáp ứng nhu cầu cạnh tranh ngày càng cao của thị trường.