Mục tiêu tăng trưởng và chủ động thích ứng

Ngô Đức Hành|25/03/2024 08:38

Hàng loạt chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thống nhất khi bấm nút thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đó, Quốc hội chốt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 đạt 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người 4.700 - 4.730 USD, đẩy mạnh triển khai dự án giao thông trọng điểm và phấn đấu phê duyệt đường sắt cao tốc trong 2024.

Không phải không phân vân

Còn hơn 1 tháng nữa mới đến “năm kế hoạch” 2024, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng. Năm 2024, đất nước tiếp tục phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, khó đoán định, chính vì thế, không ít ý kiến ĐBQH cho rằng nên đề ra mức thấp hơn, khoảng 5 - 6%.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lý giải trên cơ sở ước thực hiện GDP năm 2023 dự kiến đạt trên 5% và dù đã dự báo bối cảnh thế giới nhưng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 thể hiện quyết tâm của Chính phủ, phấn đấu thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

top-view-frame-economy-charts.jpg

Chúng ta luôn có tinh thần lạc quan. Hy vọng cũng là một “điểm sáng” tạo năng lượng.

Bất động sản (BĐS) là một đòn bẩy cực lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng giai đoạn vừa qua, thị trường BĐS gặp 2 điểm nghẽn lớn, đó là thể chế pháp lý và hấp thụ vốn. Hai điểm nghẽn này đến cùng lúc nhưng pháp lý đã được tháo gỡ, còn hấp thụ vốn vẫn đang là vấn đề... đại sự. Tình hình này cho thấy để phục hồi tăng trưởng còn khó. Nhiều vấn đề liên quan đến tài chính (ví dụ: room cho vay BĐS bị siết chặt, đặc biệt là cho vay với khách hàng mua nhà), thể chế luật pháp đang đòi hỏi điều chỉnh.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. GDP 3 quý đầu năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 3 quý đầu năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011 - 2023. Để kinh tế cả năm 2023 đạt tăng trưởng GDP trên 5%, thì tăng trưởng GDP của quý 4 phải cao hơn mức của quý 3/2023. Đây là một thách thức không hề nhỏ.

Sự lo ngại của đại biểu Quốc hội về tiến độ dự án sân bay Long Thành dù đã được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng quả quyết “Dự án tổng thể của sân bay Long Thành nếu có chậm thì cũng không quá một năm”.



Phản ứng chính sách linh hoạt

Năm 2023 được coi là năm “bản lề” của kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Ngay từ đầu năm, trước những khó khăn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lên tinh thần "Đoàn kết, kỷ cương; Bản lĩnh, linh hoạt; Đổi mới sáng tạo; Kịp thời, hiệu quả", yêu cầu phản ứng chính sách kịp thời, lựa chọn ưu tiên phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế.

Không phải “mẹ hát con khen hay”, tự khen chính mình mà tại nhiều Diễn đàn quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất.

Nhìn vào hoạt động logistics đúng là có nhiều điểm sáng, đáng để mừng. Đơn cử, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng đầu năm. Đây là con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới. Ngành gạo từ việc xuất khẩu chú trọng sản lượng, nay gạo Việt Nam đã có giá cao nhất thế giới, chất lượng cũng ngày càng chinh phục được các thị trường khó tính. Theo các doanh nghiệp và chuyên gia lâu lăm của ngành gạo, gạo Việt Nam đang dần thiết lập được chỗ đứng mới trên thị trường thế giới.

Nếu sắp tới, Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, được Chính phủ thông qua thì quá trình “xanh hoá” hạt gạo. “xanh hóa” logistics của Việt Nam cũng chính thức được bắt đầu. Theo các chuyên gia, một ngày không xa, Việt Nam còn có thể bán ra thế giới những hạt gạo được dán nhãn sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính...

Tuy nhiên, như đã nói, nhiều vấn đề tồn đọng, tích tụ lâu dài, nhất là trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, các dự án tồn đọng, cần phải tập trung xử lý, tháo gỡ, không dễ trong một sớm, một chiều. Giá gạo cao “kỷ lục” chưa chắc đã là lợi thế bền vững.

plant-growing-coins-glass-jar-money-green-grass.jpg

Chắc chắn, đầu năm 2024, Chính phủ sẽ đề ra phương châm hành động mới, và chắc chắn, năm 2024 vẫn phải tiếp tục phản ứng chính sách linh hoạt và muốn phát triển càng phải vượt qua áp lực, đổi mới sáng tạo.

Logistics Việt Nam

Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng năm 2024 như Nghị quyết Kỳ họp thứ 6 vừa qua của Quốc hội, không thể không nói đến vai trò của logistics.

Mục tiêu phát triển của ngành logistics Việt Nam tới năm 2025 là tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50 - 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên… Để đạt được mục tiêu trên cần những giải pháp đồng loạt từ nhà nước, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Trước hết, đó là việc Chính phủ phải ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển sân bay, đường cao tốc, bến cảng, kho bãi…; phát huy tối đa vai trò của vận tải đa phương thức, vận tải đường thủy nội địa và đường sắt liên vận, khuyến khích hậu cần bền vững với môi trường bằng cách chuyển sang ít sử dụng các-bon hơn. Về phía các doanh nghiệp, bản thân họ phải chú trọng phát triển công nghệ và bổ sung thêm những dịch vụ giá trị gia tăng. Không có sự cố gắng từ nhiều phía: Chính phủ - Cộng đồng doanh nghiệp – Người dân thì khó khăn luôn tạo ra thách thức.

Bài liên quan
  • Hành trình gian nan của cây cà phê Việt
    Cây cà phê vốn là loại cây xuất khẩu chủ lực ở Việt Nam. Loại cây này được du nhập vào nước ta do phù hợp với điều kiện thời tiết, đất đai của vùng cao nguyên đất đỏ. Ngày nay cây cà phê đã phủ khắp Tây Nguyên, cà phê trở thành thức uống yêu thích cùng với trà và mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Mục tiêu tăng trưởng và chủ động thích ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO