Hội nghị có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng – Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị - Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cùng đông đảo lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.
Về phía tỉnh có sự tham dự của các đồng chí: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng – Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng; Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Quảng Nam.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, hội nghị Công bố quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thể hiện mục tiêu, tầm nhìn chiến lược để tỉnh Quảng Nam khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, thế mạnh, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường sinh thái; vững vàng trên hành trình phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển các quan điểm của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025; đồng thời cập nhật, bổ sung các quan điểm, định hướng phát triển mới phù hợp với thực tiễn và xu thế của thời đại. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, đó những mục tiêu có ý nghĩa rất quan trọng và có tính khả thi cao dựa trên các luận cứ khoa học rõ ràng; tuy nhiên đòi hỏi phải có sự đoàn kết, nỗ lực và ý chí quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Trung ương, sự phối hợp tốt của các địa phương bạn, sự tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chung sống hài hòa với tự nhiên theo quan điểm phát triển bền vững. Những năm gần đây tỉnh Quảng Nam đã hành động tích cực, quyết liệt để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng hủy hoại rừng, ô nhiễm môi trường, săn bắt động vật trái phép; nhiều khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài, sinh cảnh, khu bảo vệ cảnh quan, vườn quốc gia, rừng đặc dụng được thành lập; nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch xây dựng đã phải điều chỉnh; nhiều dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, cảnh quan đã bị từ chối; nhiều dòng sông đã và đang được khơi thông; nhiều thềm bãi biển đang được phục hồi.
“Chính vì vậy, hôm nay, cùng với Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đồng thời khai mạc Năm phục hồi đa dạng sinh học Quốc gia 2024. Đây cũng chính là thông điệp thể hiện tỉnh Quảng Nam sẽ kiên trì lựa chọn con đường tăng trưởng xanh, phát triển có trách nhiệm với thiên nhiên, với hành tinh này, với thế hệ hôm nay và mai sau. Trân trọng kính đề nghị các địa phương trên cả nước cùng hưởng ứng”, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.
Quảng Nam sẽ tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội theo mô hình cấu trúc "2 vùng, 2 cụm động lực, 3 hành lang phát triển".
Cụm động lực phía Bắc bao gồm: Hội An, thị xã Điện Bàn và huyện Đại Lộc gắn kết với thành phố Đà Nẵng trong quá trình đô thị hoá và phát triển của địa phương. Khai thác những lợi thế đô thị di sản của Hội An, lợi thế về không gian phát triển đô thị mới của thị xã Điện Bàn, phát triển đô thị công nghiệp ở Đại Lộc và tích hợp các yếu tố khác của các địa phương lân cận để xây dựng một chương trình phát triển liên kết vùng ở phía Bắc Quảng Nam gắn kết với định hướng phát triển của TP. Đà Nẵng.
Cụm động lực phía Nam gồm: TP. Tam Kỳ, huyện Núi Thành, huyện Phú Ninh với chức năng chính là phát triển trọng điểm công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, nơi đây có cảng biển, sân bay là những công trình cấp quốc gia, cấp quốc tế và định hướng sáp nhập TP. Tam Kỳ và huyện Núi Thành để xây dựng đô thị loại I trong tương lai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy các chuỗi đô thị ven biển của miền Trung.
Hành lang ven biển, tính từ cao tốc Quảng Nam đến Quảng Ngãi xuống tới biển, nơi đây có lợi thế phát triển tốt các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ và gắn với các hoạt động đào tạo nghề với sự phát triển các đô thị hiện nay trên địa bàn tỉnh. Với tính chất và tầm vóc được nâng lên, trong đó đặc biệt là khu đô thị loại I gồm: Núi Thành và TP. Tam Kỳ.
Đối với khu vực hành lang thứ 2 kết nối từ quốc lộ 14B, 14E nối lên Khu kinh tế cửa khẩu Nam Giang qua Lào, qua Thái Lan, đây là hành lang có ý nghĩa khai phá khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Nam kết nối với các địa phương bạn để gia tăng lượng hàng hoá đến với tỉnh Quảng Nam để phát triển du lịch xuyên Á, đồng thời gắn kết với khu vực Tây Nguyên với trục 14B gắn kết phát triển hàng hoá du lịch giữa Duyên hải miền Trung với khu vực cao nguyên của Việt Nam, dọc tuyến đường Hồ Chí Minh và đường Đông Trường Sơn thì có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh - quốc phòng, nhất là phát triển kinh tế rừng, kinh tế thuỷ điện, kinh tế khai thác chế biến các loại khoáng sản và phát huy các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với bảo vệ vùng, vô cùng quan trọng phía Tây của tỉnh.
“Chính phủ cho Quảng Nam hình thành ngành công nghiệp cạnh tranh quốc tế đó là Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không tại sân bay Chu Lai. Trên cơ sở tiềm năng của sân bay Chu Lai, Chính phủ xác định trung tâm này sẽ đóng một vai trò rất quan trọng, mở ra một ngành hoàn toàn mới ở Việt Nam” Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh và cho biết thêm, cảng biển Quảng Nam cũng đã được xác định cảng biển loại I, và cảng này sẽ hình thành trung tâm logistics, container của khu vực miền Trung và Tây Nguyên, là cửa ngõ giao lưu hàng hoá quan trọng của xuyên Á từ Thái Lan qua Lào nối đến Đà Nẵng và Quảng Nam.
Quy hoạch tỉnh Quảng Nam với quan điểm, mục tiêu, chủ động kiến tạo, đổi mới mạnh mẽ tư duy, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh; không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Kết hợp nội lực với ngoại lực, phấn đấu một số ngành, lĩnh vực thuộc nhóm dẫn đầu cả nước như, công nghiệp ô tô, cơ khí, dược liệu; phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên vào năm 2030; đến năm 2050, Quảng Nam phát triển toàn diện, hiện đại và bền vững; phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc trung ương; là trung tâm du lịch quốc tế quan trọng.
Để thực hiện được mục tiêu phát triển đến năm 2030, có 5 nhóm mục tiêu về kinh tế; văn hóa - xã hội; môi trường, sinh thái; kết cấu hạ tầng; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trong đó mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt trên 7.500 USD; mục tiêu về kết cấu hạ tầng, với đầu tư Cảng hàng không Chu Lai đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế với quy mô cấp 4F, Cảng biển Quảng Nam đạt tiêu chuẩn loại I tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT…
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được trong suốt chặng đường qua. Đồng thời khẳng định, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế, dư địa cho sự đầu tư và phát triển trong tương lai về kinh tế, văn hóa, du lịch, nguồn nhân lực để phát triển thành tỉnh khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, một bản Quy hoạch dù được nghiên cứu công phu và khả thi đến mấy cũng không trở thành hiện thực nếu việc tổ chức thực thi và giám sát thực thi không được tổ chức hiệu quả. Nhân tố quyết định thành công chính là quyết tâm chính trị cao, tinh thần năng động, sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá của Đảng bộ, chính quyền các cấp và vai trò của Nhân dân là trung tâm, chủ thể, nguồn lực, mục tiêu của sự phát triển và giám sát việc thực hiện bản Quy hoạch này.
Để Quảng Nam phát triển theo đúng tầm nhìn và định hướng trong Quy hoạch tỉnh, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam khẩn trương nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thật chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn. Gắn kết phát triển hạ tầng với phát triển đô thị, công nghiệp; tập trung vào những ngành như du lịch, công nghiệp chế biến, dịch vụ logistics, cảng biển, tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối.
Tập trung chỉ đạo, tổ chức các hoạt động tuyên truyền phục hồi đa dạng sinh học tầm quốc tế, quốc gia đến các hoạt động cụ thể, thiết thực của các cộng đồng dân cư, mỗi gia đình, người dân nhằm cụ thể hoá việc phát triển bền vững, phát triển xanh, hài hòa giữa phát triển và bảo vệ môi trường theo định hướng của Quy hoạch tỉnh; gắn với tham gia hưởng ứng Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái 2021 – 2030 của Liên hợp quốc, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế tại Hội nghị lần thứ 15 của các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học.
Và xa hơn cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển; tăng cường liên kết vùng, liên vùng theo Quy hoạch tổng thể quốc gia, các Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Công bố công khai, rộng rãi Quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là để Nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi Quy hoạch tỉnh. Lựa chọn đầu tư phát triển các công trình có điểm nhấn, dự án có ý nghĩa lan tỏa để tạo động lực dẫn dắt thúc đẩy nguồn lực xã hội. Các nguồn lực được tạo ra từ Quy hoạch như giá trị đất đai, tài nguyên thiên nhiên,… cần được đầu tư trở lại cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giáo dục và đào tạo, phúc lợi xã hội, chia sẻ hài hòa giữa các địa phương và nhà nước, người dân, doanh nghiệp để mang lại lợi ích tổng thể cho phát triển.
Chú trọng phát triển nhân lực chất lượng cao và khoa học công nghệ, từ đó tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh bởi đây là nguồn lực quan trọng nhất, tài nguyên quan trọng nhất cho Quảng Nam vươn xa trong thời gian tới. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo; thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực số; tập trung xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của tỉnh, vườn ươm doanh nghiệp.
Tiếp tục ưu tiên đầu tư, phát triển hệ thống đô thị theo hướng bền vững trên cơ sở định hướng của Quy hoạch tỉnh. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống giao thông, đô thị, các công trình công cộng theo hướng xanh và thông minh. Đặc biệt, cần quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn, tu bổ và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của tỉnh nhà và của dân tộc. Cùng với đó, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo,...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường công khai, minh bạch, lắng nghe, đối thoại để kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Sắp xếp tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong, lề lối làm việc. Đặc biệt quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
“Quảng Nam phải thực hiện phương châm 8 chữ "Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ, thấu hiểu". Với tiềm năng, lợi thế, dư địa sẵn có cùng với đội ngũ lãnh đạo năng động, đoàn kết, có tầm nhìn, quyết tâm chính trị cao, sự chung sức đồng lòng của chính quyền và người dân Quảng Nam, chúng ta tin rằng Quảng Nam sẽ trở thành tỉnh khá và nằm trong nhóm các tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung bộ. Sự quan tâm của các nhà đầu tư, những dự án mới được khởi công, được trao quyết định đầu tư ngày hôm nay báo hiệu một sự khởi đầu hết sức tốt đẹp, điều đó càng củng cố thêm niềm tin của chúng ta”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh.