Nền kinh tế “không tiếp xúc” (phần 2)

TS. Bùi Văn Danh|13/10/2020 09:11

(VLR) Trong khi một số ngành sản xuất, kinh doanh phụ thuộc nhiều vào việc tiếp xúc trực tiếp như hàng không, du lịch, nhà hàng, khách sạn... đang lao đao, thậm chí rơi vào khủng hoảng giữa đại dịch COVID-19, những ngành kinh tế “không tiếp xúc” lại có các cơ hội “vàng” phát triển.

Các hãng công nghệ hưởng lợi

Năm 2011, tại Thung lũng Silicon (Mỹ), Eric Yuan sáng lập và điều hành công ty của ông với phần mềm Zoom. Thời điểm đó, ý tưởng của ông và đồng sự rất đơn giản, đó là sử dụng điện toán đám mây để giúp người dùng kết nối, giao tiếp qua hình ảnh, video và lan tỏa niềm vui. Mặc dù tin rằng hình thức này sẽ là nền tảng kết nối con người với nhau trong tương lai, công ty của ông chỉ phát triển bình thường và không gây một tiếng vang đột biến nào trong thế giới công nghệ.

Từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm nay, giãn cách xã hội được coi như một giải pháp quan trọng ngăn ngừa dịch lây lan. Nhiều công ty tạm đóng cửa và hủy bỏ các cuộc họp, hội nghị, việc giảng dạy và học tập được chuyển sang trực tuyến để hạn chế tiếp xúc. Nhu cầu học tập, làm việc... từ xa của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 khiến những phần mềm trực tuyến như Zoom trở nên bùng nổ. Zoom là ứng dụng kết nối cuộc họp trực tuyến có số người dùng đã tăng vọt lên hàng triệu người chỉ trong thời gian ngắn. Từ tháng 12/2019 đến giữa năm nay, nhu cầu sử dụng Zoom trên toàn cầu đã tăng đến 1.900%.

Chia sẻ tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ được tổ chức ở TP. HCM ngày 25/8 vừa qua, CEO của Zoom cho rằng, khủng hoảng từ dịch COVID-19 lần này đã đẩy nhanh quá trình đưa con người đến với kết nối bằng video và công nghệ đám mây, góp phần quan trọng trong tiến trình này. “Phương thức học, làm việc cũng như hoạt động tương tác đã khác đi sau đại dịch. Công nghệ sẽ thực sự dịch chuyển cách làm việc trong tương lai”, ông nói. Đáng lưu ý là chỉ trong quý 1 năm 2020, khối tài sản của Yuan đã tăng hơn 4 tỷ USD, đạt mức xấp xỉ 7,6 tỷ USD, theo ước tính của Bloomberg Billionaires Index.

Yuan chỉ là một trong nhiều ví dụ về việc tận dung cơ hội trong nền kinh tế “không tiếp xúc” của các công ty công nghệ lớn, giữa lúc đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội. Người ta ở nhà nhiều hơn, dẫn đến việc sử dụng các phần mềm giao tiếp, mạng xã hội, giải trí trực tuyến... nhiều hơn. Thời gian qua, tài sản của những người giàu nhất thế giới tiếp tục lập kỷ lục. Tài sản của Bill Gates, đồng sáng lập Microsoft và Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, đã tăng lần lượt 1 tỷ và 8,5 tỷ USD chỉ trong một phiên giao dịch cuối tháng qua, lần lượt đạt mức 124 tỷ USD và 115 tỷ USD. Cổ phiếu Amazon lập đỉnh mới, giúp tài sản của CEO Bezos tăng 5,2 tỷ USD chỉ trong một ngày. Từ đầu năm, Bezos đã có thêm 87,1 tỷ USD và hiện ông đang sở hữu 202 tỷ USD, mức cao nhất trong lịch sử. Cổ phiếu Salesforce tăng 26%, mức tăng trong phiên lớn nhất từ trước đến nay, sau khi công ty phần mềm này công bố lợi nhuận cao đột biến. Cổ phiếu công nghệ dẫn dắt đà tăng của thị trường khi Facebook và Netflix tăng vọt 8,2% và 11,6%, cổ phiếu Alphabet và Microsoft có thêm 2,4% và 2,2%, trong lúc cổ phiếu Apple tăng 1,4%.

Ngành mì gói bội thu

Việc giãn cách xã hội, thậm chí cách ly tại một số khu vực, đã dẫn đến việc thay đổi thói quen ăn uống của một bộ phận lớn dân cư. Do hạn chế ra đường và ăn uống tại nhà hàng, người ta tự nấu nướng và ăn uống tại nhà nhiều hơn. Điều đó đã tạo ra cơ hội phát triển của các mặt hàng thực phẩm chế biến, mà mì ăn liền là một ví dụ đầy bất ngờ.

Châu Á là thị trường tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất, với mức tiêu thụ mặt hàng hơn 100 tỷ USD trong năm ngoái. Châu Á cũng là nơi sản xuất mì ăn liền lớn nhất thế giới và các nhà sản xuất trong khu vực đang bội thu trong năm nay nhờ COVID-19.

Đằng sau cuộc đua khốc liệt với khả năng “cháy hàng” vắc xin, có thể thấy một thời cơ lớn của các hãng dược phẩm trong cuộc chinh phục một thị trường khổng lồ giá trị hàng trăm tỷ USD.

Tingyi Holding là nhà sản xuất sở hữu thương hiệu mì ăn liền Master Kong bán chạy nhất Trung Quốc. Doanh thu nửa đầu năm của công ty này tăng 8% so với cùng kỳ năm trước, lên 32,93 tỷ nhân dân tệ (4,76 tỷ USD), trong khi lợi nhuận ròng tăng 58,4%, lên mức kỷ lục 2,38 tỷ nhân dân tệ. Uni- President China Holdings (Đài Loan), đối thủ của Tingyi, cũng hưởng lợi từ các biện pháp cách ly tại nhà. Mảng kinh doanh thực phẩm của công ty này tại Trung Quốc, chủ yếu là mì ăn liền, đã tăng doanh thu 22% lên 5,21 tỷ nhân dân tệ, trong khi lợi nhuận tăng 30% lên 448,09 triệu nhân dân tệ.

Các nhà sản xuất mì quy mô lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Nissin Foods Holdings (Nhật Bản), chủ sở hữu của thương hiệu Cup Noodle, thị trường chủ yếu ở châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hồng Kông, đã ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý II/2020 cao hơn gấp đôi, lên 12,09 tỷ yên (114,2 triệu USD) so với một năm trước đó. Đối thủ công ty này, Toyo Suisan, cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 76%, lên 8,4 tỷ yên trong cùng kỳ. Tương tự, doanh thu nửa đầu năm nay của Nongshim (Hàn Quốc) đã tăng 17,2% so với cùng kỳ, lên 1,35 nghìn tỷ won (1,13 tỷ USD). Nhà sản xuất mì cay Shin Ramyun cũng tăng doanh số bán hàng trong nước lên 12% và doanh số bán hàng ở nước ngoài lên 34%, chủ yếu ở Trung Quốc và Mỹ.

Thị trường vắc xin khổng lồ

Còn nhiều ví dụ khác minh họa cho nghịch lý “ăn nên làm ra” thời đại dịch. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến ngành công nghiệp dược phẩm trong cuộc chạy đua sản xuất vắc xin COVID-19. Gần đây nhất, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê hiện trên thế giới có 25 “ứng viên vắc xin” đang được đánh giá trong những thử nghiệm lâm sàng ở người và 139 dự án khác trong giai đoạn tiền lâm sàng.

Chính phủ Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD cho các dự án khác nhau. Moderna, một trong những hãng dược dẫn đầu cuộc đua, đã nhận được khoản hỗ trợ lên tới 2,48 tỷ USD từ Chính phủ, song vẫn có ý định kiếm lời từ việc bán sản phẩm của mình với giá 12 - 16 USD một liều. Liên minh hai công ty Đức - Mỹ BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) cho biết, Washington sẽ rót cho họ 1,95 USD, nhằm bảo đảm có được 100 triệu liều trong trường hợp vắc xin của họ ra đời. Hai tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) và GlaxoSmithKline (Anh) cũng cho biết họ đã đạt được thỏa thuận 2,1 tỷ USD với chính quyền Mỹ để sản xuất và bàn giao 100 triệu liều vắc-xin. Mỹ cũng đã đặt mua gần 1/3 số liều vắc xin tương lai của tập đoàn dược phẩm Thụy Điển và Anh Quốc AstraZeneca với giá 1,2 tỷ USD.

AstraZeneca cũng đã ký hợp đồng với Pháp, Đức, Ý và Hà Lan cung cấp 400 triệu liều vac-xin. Bốn nước nói trên đã trả trước 750 triệu euro cho 300 triệu liều mà AstraZeneca bảo đảm là sẽ cung cấp trước cuối năm nay. Trung Quốc, Brazil, Nhật Bản và Nga cũng quan tâm đến loại vắc xin do đại học Oxford của Anh điều chế và đang được hãng AstraZeneca thử nghiệm. Theo Reuters, tập đoàn dược phẩm này còn ký nhiều thỏa thuận sản xuất vắc xin ngừa virus corona với các đối tác khác, trong đó có hai quỹ của nhà tỷ phú Bill Gates. Đằng sau cuộc đua khốc liệt với khả năng “cháy hàng” vắc xin, có thể thấy một thời cơ lớn của các hãng dược phẩm trong cuộc chinh phục một thị trường khổng lồ giá trị hàng trăm tỷ USD.

(*) Đại học Công nghệ Sài Gòn


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Nền kinh tế “không tiếp xúc” (phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO