"Nhận diện" kinh tế Việt Nam năm 2022

Võ Thị Phương Thủy (tổng hợp)|18/12/2022 13:50

Bối cảnh tình hình thế giới và khu vực năm 2023 cũng được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Kinh tế thế giới đang trong giai đoạn đặc biệt khó khăn khi phải cùng lúc đối mặt với 2 vấn đề rất khó giải quyết đó là suy giảm kinh tế đi liền với lạm phát tăng cao.

0d90128c905a4b7092fa2d1800a33e93-1671263352283307930118.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023" - Ảnh: VGP

Tăng trưởng ngoạn mục

Năm 2022. kinh tế Việt Nam dự kiến đạt mức tăng trưởng cao trên 8%, lạm phát được kiềm chế theo mục tiêu đề ra; xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm đã tăng hơn 13,4%, cán cân hàng hóa xuất siêu 10,6 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 11 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 8,9%; tiêu dùng trong nước tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong 11 tháng đầu năm 2022 tăng tới 17,5%...

Năm 2022, Chính phủ đã thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ, củng cố năng lực phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó có các chính sách miễn giảm thuế, phí... tuy nhiên tổng thu ngân sách đến hết tháng 11/2022 đã vượt 16,1% dự toán và tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước.

"Những chỉ số này cho thấy tiêu dùng đã phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch, khu vực doanh nghiệp đã phản ứng hiệu quả trước các cơ hội mở ra sau đại dịch và nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh cho thấy niềm tin vững chắc của nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng kinh tế Việt Nam trong những năm tới", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định tại phiên toàn thể cấp cao Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2022 và định hướng điều hành năm 2023".

Việc kinh tế Việt Nam năm 2022 không bị suy thoái trong đại dịch và phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ đã khẳng định được nội lực và khả năng chống chịu khá tốt của nền kinh tế. Những kết quả này có được là nhờ những chủ trương lãnh đạo đúng đắn và xuyên suốt của Đảng về ưu tiên củng cố các nền tảng vĩ mô trong quá trình phát triển, chủ động tích cực hội nhập đa dạng hóa thị trường, đa phương hóa hợp tác, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; sự đồng hành của Quốc hội và sự chỉ đạo, điều hành chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Những thành tựu đạt được nêu trên là kết quả của quá trình kiên trì thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa hợp tác cùng phát triển; tranh thủ ngoại lực, phát huy tối đa nội lực, liên tục củng cố các nền tảng vĩ mô và năng lực sản xuất nội địa; chủ động, linh hoạt trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh.

Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức cần có những quyết sách đúng đắn kịp thời để đảm bảo phục hồi vững chắc trên nền tảng tích cực đã được tích lũy trong những năm qua và tạo bước phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra những khó khăn thách thức lớn đặt ra, thậm chí lớn hơn trước mà nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phải đối mặt để kịp thời có những quyết sách, phương án ứng phó là những tiền đề quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững, mạnh mẽ hơn trong những năm tới.

4 vấn đề cần giải quyết thấu đáo

Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, TS.Trần Tuấn Anh, Diễn đàn cần làm rõ một số nội dung trọng tâm:

986b625c40ac587d62dc72e9ae794137-1671263251652945242232.jpg
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, TS. Trần Tuấn Anh: Kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch COVID-19 và phục hồi ngoạn mục cũng khẳng định chủ trương nhất quan của Đảng ta luôn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn lên hàng đầu trong suốt quá trình phát triển - Ảnh: VGP

Một là, tập trung vào phân tích, đánh giá làm rõ bối cảnh và các xu hướng lớn của thế giới và khu vực; làm rõ thêm xu hướng mất cân đối toàn cầu hiện nay đang đặt ra những cơ hội và thách thức gì cho kinh tế Việt Nam năm 2023 và những năm tới.

Hai là, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách thức vượt qua những thách thức lớn mà các nền kinh tế hiện nay đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là từ xu hướng kép vừa suy thoái vừa lạm phát cao đang diễn ra ở nhiều nền kinh tế...

Ba là, tập trung phân tích, đánh giá, làm rõ thực chất những yếu tố căn bản nào đang đe dọa các nền tảng vĩ mô của kinh tế Việt Nam, những nguy cơ nào đối với các cân đối lớn của nền kinh tế; những nền tảng và sức mạnh nội tại cần phải phát huy, những dư địa chính sách và nguồn lực cần được khai thác, phát huy để phục vụ cho phát triển của 2023 và những năm tiếp theo; đồng thời, thẳng thắn nhìn nhận, phân tích những hạn chế, yếu kém, những điểm nghẽn chủ yếu trong phát triển.

Bốn là, dự báo các kịch bản phát triển, đưa ra những khuyến nghị, đề xuất về chủ trương, chính sách hoặc các biện pháp cụ thể để chủ động ứng phó, xử lý hiệu quả các vấn đề đang đặt ra đối với Việt Nam cả trong trước mắt 2023 và trong những năm tiếp theo.

Năm 2023: Triển vọng tích cực

Hôm 14/12, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra dự báo, nền kinh tế Việt Nam đang vận hành tốt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu có nhiều bất ổn. ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên mức 7,5% trong năm 2022 (từ mức 6,7% theo dự báo trước đó). Đồng thời, lạm phát được dự báo xuống còn 3,5%.

ADB dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt mức 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu. Đây là mức cao hơn dự báo của tổ chức này đưa ra hồi tháng 4/2022. Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park, nhận định rằng, châu Á và Thái Bình Dương sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng các điều kiện toàn cầu đang xấu đi.

Đại diện ADB cho rằng, thách thức đối với Việt Nam đang giảm đi nhanh chóng. Việc Fed giảm tốc độ tăng lãi suất cũng tích cực đối với Việt Nam. WB cũng thừa nhận, đồng USD yếu đi giúp giảm nhẹ áp lực đối với tỷ giá. 

Trước đó, bà Pemba Tshering Sherpa, phụ trách truyền thông IMF, cho rằng, năm 2023, Việt Nam phải đối mặt với một môi trường bên ngoài đầy thách thức, nhưng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm vẫn đạt khoảng 5,8%.

Tại Diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam, bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, nhận định, triển vọng kinh tế Việt Nam tươi sáng nhưng rủi ro đang gia tăng. Ở kịch bản lạc quan, tăng trưởng kinh tế có thể đạt mức 6,5-6,7%. Kịch bản 2, con số chỉ ở mức 6-6,2% nếu các yếu tố rủi ro lấn át xu hướng phục hồi đã thiết lập trong năm 2022.

Thị trường chứng khoán được dự báo khá tích cực. Theo ACBS, triển vọng toàn cầu sẽ tích cực hơn trong năm 2023, đặc biệt nửa sau của năm. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ vượt đỉnh cũ để tiến lên 1.550 điểm vào cuối năm 2023.

Theo nhiều chuyên gia, nửa đầu 2023 TTCK có thể còn nhiều thăng trầm nhưng cuối năm sẽ tích cực. Theo đó, đầu năm, lạm phát có thể lên do áp lực từ giá điện, vận tải, học phí... Dù vậy, đây đều là các yếu tố có thể kiểm soát được.

* Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. 

Các chỉ tiêu chính được xác định: GDP tăng khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. CPI tăng bình quân khoảng 4,5%.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Nhận diện" kinh tế Việt Nam năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO