- Thưa ông, nếu nhìn từ những căng thẳng, khủng hoảng ở Biển Đỏ như hiện nay, vậy ngành vận tải hàng hóa hàng không có tìm thấy cơ hội gì từ cuộc khủng hoảng này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Theo nhận định của rất nhiều người thì vận tải hàng hóa hàng không sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ. Tôi nghĩ, nhìn về lý thuyết thì có vẻ đúng, nhưng để xét xem cơ hội đó mang lại ít hay nhiều cho vận tải hàng hóa hàng không toàn cầu thì chúng ta cần xem xét một số yếu tố như: Tỷ trọng vận tải hàng không và hàng hải trong thương mại toàn cầu; Các loại hàng hóa có thể vận chuyển bằng đường hàng không; Tính cấp thiết về thời gian; Các yêu cầu của chuỗi cung ứng;…
Còn tất nhiên, các vấn đề liên quan đến địa chính trị và đã đẩy lên thành xung đột vũ trang, chiến tranh như ở Đông Âu, Trung Đông và cuộc khủng hoảng Biển Đỏ thời gian vừa qua chắc chắn đã có tác động tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ đến ngành giao nhận vận tải toàn cầu.
Điều sẽ không khó để nhận biết như tình trạng giá cước vận chuyển tăng, thời gian vận chuyển tăng (do nhiều tàu phải chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng), tăng phí bảo hiểm,… và một loạt các chi phí khác cũng tăng. Tất cả những điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động vận tải hàng hóa và chuỗi cung ứng, mà nhìn rộng hơn là gây hệ lụy cho thương mại toàn cầu và kinh tế thế giới.
Tuy vậy, theo giác độ của một người làm nghề, tôi nghĩ rằng câu chuyện thời gian qua ở Biển Đỏ vẫn chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng, “đỉnh điểm”. Gần đây với sự gia tăng tấn công các tàu chở hàng của lực lượng Houthi, thậm chí đã có tàu hàng và cả tàu chiến của các quốc gia bảo vệ sự lưu thông hàng hải ở khu vực này đã bị bắn cháy. Nhiều tuyên bố, nhiều cuộc họp của nhiều quốc gia, nhiều đề xuất và giải pháp nhưng cho đến nay “sức nóng” về cuộc khủng hoảng này chưa có dấu hiệu nguội lại. Và liệu nó sẽ còn tiếp tục leo thang? Nếu tiếp tục căng thẳng hơn lúc đó ảnh hưởng đến hoạt động vận tải, chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu sẽ còn chịu nhiều tác động và thiệt hại lớn hơn nữa.
- Xin được trở lại với tình hình vận tải hàng hóa hàng không. Thưa ông, trước các xung đột địa chính trị, vậy đâu là “động lực và tiềm năng” để ngành vận tải hàng không được hưởng lợi trong bối cảnh này?
Ông Phạm Anh Tuấn: Cơ hội và điều kiện khách quan mang lại để hoạt động và dịch vụ vận tải hàng không tạo ra doanh thu, lợi nhuận trong bối cảnh này là có nhưng không quá lớn. Theo tôi, cơ sở chính yếu để vận tải hàng không có thể tăng trưởng trong lúc này chính là sự hồi phục kinh tế của các quốc gia và sức mua hàng hóa toàn cầu tăng lên, đặc biệt là ở các thị trường lớn.
- Vậy theo kinh nghiệm và trực quan của ông, cần có phương án và giải pháp gì để các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các khách hàng đảm bảo chuỗi cung ứng và hoạt động kinh doanh của mình?
Ông Phạm Anh Tuấn: Phương án, giải pháp thì nhiều, nhưng mọi phương án đôi khi cũng chỉ là… phương án. Vấn đề là ta có được những phương án, giải pháp khả thi, được vận dụng phù hợp và thích ứng với từng môi trường kinh doanh, hoàn cảnh thực tế của thị trường và doanh nghiệp. Và trong kinh doanh, cũng cần đến các yếu tố “… địa lợi – nhân hòa” nữa.
Tôi thích câu nói của Napoleon: “không có trận chiến nào mà không có kế hoạch tác chiến, nhưng cũng không có trận chiến nào diễn ra đúng như kế hoạch tác chiến”.
Do đó, để đảm bảo được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp và hoạt động kinh doanh của khách hàng, các bên có thể lưu ý các phương án như: Tính toán lại lead-time của quá trình sản xuất, bảo đảm được sản xuất trong lúc chuỗi cung ứng có nhiều biến động như hiện nay, khắc chế được tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng. Và hãy: Có phương án bảo đảm tồn kho an toàn; Có phương án dự phòng về vận chuyển; Sử dụng phương thức vận tải kết hợp, vận tải đa phương thức như: sea-air, air-sea, sea-rail, road-rail, … để vận chuyển hàng hóa.
- Chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.