Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế

Trần Trình Lãm|12/11/2021 08:38

(VLR) Mặc dù kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh nước ta tiếp tục được nâng lên, nhưng sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Nguy cơ chậm phục hồi kinh tế, suy giảm tăng trưởng vẫn còn tiềm ẩn nếu không kiểm soát được dịch bệnh một cách cơ bản để mở cửa trở lại nền kinh tế…

Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế

Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế

Những thách thức từ đại dịch

Năm 2021 dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều địa phương với sự xuất hiện của biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, nguy hiểm hơn nhiều so với chủng gốc trước đây, lại xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn... buộc nước ta phải áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện mục tiêu ưu tiên, trên hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân; từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế và đời sống nhân dân.

Theo Báo cáo Kết quả phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021 của Chính phủ tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV vào sáng 20/10 vừa qua, ước tính năm 2021 cả nước thực hiện đạt và vượt 8/12 chỉ tiêu chủ yếu đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát. Các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt trên 80%, cả năm ước vượt dự toán, cơ bản bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Tuy nhiên, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm chỉ tăng bình quân 1,82%, cả năm ước tăng dưới mức Quốc hội giao. Dự kiến có 4/12 chỉ tiêu KT-XH chủ yếu chưa đạt mục tiêu đề ra. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, tuy nhiên quý III giảm 6,17% do ảnh hưởng nghiêm trọng của đợt dịch bùng phát lần thứ 4 nên tính chung 9 tháng GDP chỉ tăng 1,42%. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu; xuất nhập khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI và một số ít thị trường. Xuất hiện tình trạng đứt gãy một số chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động. Thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán có thời điểm tăng nóng. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhất là vốn ODA và vay ưu đãi. Khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, lưu trú, ăn uống, vận tải hành khách. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề.

Mục tiêu GDP năm 2022 đạt 6,5%

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, nhiệm vụ chủ yếu những tháng cuối năm 2021 là tập trung nỗ lực cho phòng, chống dịch COVID-19; khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế; quyết liệt hành động, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo phương châm nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo, bình tĩnh, kịp thời với mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết,…; có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc để tập trung khắc phục hậu quả của dịch bệnh và khôi phục, phát triển KT-XH.

Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp

Tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp

“Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, cần phải nhất quán, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời từ Trung ương đến cơ sở; bám sát yêu cầu thực tiễn, kịp thời có kế hoạch, phương án, biện pháp phù hợp để vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KT-XH; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và cũng không hoang mang, mất bình tĩnh, nóng vội trong phòng, chống dịch”.

Trích báo cáo của Chính phủ tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sáng 20/10/2021

Theo đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo rà soát, tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc về thể chế; giảm thiểu các thủ tục và chi phí sản xuất kinh doanh. Đặc biệt là tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19… bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt. Khơi thông mọi nguồn lực cho phòng, chống dịch và phát triển KT-XH, bảo đảm an sinh xã hội.

Trước đó, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP quy định tạm thời về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” (NQ28) nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do COVID-19; khôi phục và phát triển KT-XH, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu trong năm 2021.

Nghị quyết 128 được người dân, doanh nghiệp, các tầng lớp xã hội đồng tình, đánh giá cao và đã tạo bước ngoặt trong tư duy, cách thức mới trong phòng chống dịch, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, việc Chính phủ ban hành NQ128 là hết sức phù hợp trong điều kiện hiện nay. Nghị quyết đã đưa ra các biện pháp đáp ứng vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế. Từ các quy định trong NQ128, các địa phương có thể linh hoạt áp dụng các biện pháp cụ thể nhưng không trái các quy định của Trung ương, không gây ách tắc lưu thông hàng hóa, sản xuất, việc đi lại của người dân.

TS. Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, nguyên tắc ở đây là tính thống nhất toàn quốc và vấn đề này được ghi thành 1 câu riêng biệt trong NQ128. Câu đó là, “Các địa phương không được cục bộ cát cứ và ban hành quy định vượt quá mức cần thiết”. Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ khẳng định, NQ128 không phải chỉ khắc phục riêng lưu thông hàng hóa mà còn là quyết sách đúng đắn trong thời điểm hiện nay, phù hợp tính thích ứng linh hoạt, triển khai những giải pháp phù hợp cho tình hình mới. “Trong quá trình lưu thông hàng hóa không tránh khỏi một số tồn tại bất cập, NQ 128 đã chỉ rất rõ để chúng ta khắc phục nhằm phục hồi phát triển kinh tế, phòng chống dịch tốt”, ông Lê Đình Thọ nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định mục tiêu hàng đầu là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của nhân dân, cùng với tập trung tận dụng tốt cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH”; phấn đấu năm 2022 sẽ thực hiện 16 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt khoảng 6% - 6,5%; tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%; bội chi NSNN so với GDP khoảng 4%.

“Trong bối cảnh nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 và thời gian tới là rất nặng nề. Với tinh thần, ý chí quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, với sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh để phục hồi và phát triển KT-XH, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đưa đất nước vững bước tiến lên trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tập trung phục hồi, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO