Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao tỉnh Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Thủ tướng, có quy hoạch tốt thì mới có chương trình, dự án tốt, có chương trình, dự án tốt thì mới có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt thì mới có hiệu quả cao cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đây là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bẳng sông Cửu Long đến năm 2030.
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ dành thời gian thông tin khái quát về những nền tảng phát triển, tình hình kinh tế - xã hội và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Việt Nam phát triển dựa trên 3 trụ cột chính (xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa). Trong đó, lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của sự phát triển; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không": không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác, không sử dụng vũ khí hoặc đe dọa sử dụng vũ khí trong quan hệ quốc tế.
Tình hình thế giới thời gian gần đây tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo, tác động, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam, nhất là thị trường xuất khẩu, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ, tỉ giá, lãi suất...Các tác động, ảnh hưởng này càng nặng nề hơn do Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô kinh tế còn khiêm tốn nhưng độ mở lớn, trong khi sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.
Trước tình hình khó khăn đó, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành và thực hiện quyết liệt nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ trình Quốc hội ban hành 9 Luật, Chính phủ đã ban hành 44 Nghị định, 106 Nghị quyết theo hướng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, tháo gỡ các vướng mắc…
Chính phủ đã thành lập 5 tổ công tác đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và 26 đoàn công tác do thành viên Chính phủ làm trưởng đoàn để kiểm tra, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các địa phương (trong đó đã xử lý 300/1.000 kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại).
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế, trong nước. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước gắn với tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vùng, địa phương.
Với sự nỗ lực, cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực theo từng tháng, từng quý; đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được bảo đảm; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; giữ gìn được môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển đất nước, góp phần củng cố tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng môi trường kinh doanh toàn cầu (theo báo cáo tháng 5/2023 của EIU - Economist Intelligence Unit).
Nhấn mạnh bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nêu rõ, cần bám sát tình hình, phản ứng chính sách kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương theo tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, kiểm tra được; làm việc nào dứt việc đó; đẩy mạnh hơn nữa phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; giữ vững bản lĩnh chính trị, tự tin, không cầu toàn, không nóng vội; không lạc quan khi thuận lợi; không bi quan khi khó khăn; phát huy tinh thần dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; loại bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại; xử lý nghiêm việc đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.
Đối với tỉnh Long An, về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng chia sẻ Long An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; có nhiều đổi mới trong chính sách cơ chế; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, hành lang kinh tế Bắc - Nam, Đông – Tây và hành lang kinh tế ven biển; có thêm nhiều nền tảng, thành quả sau hơn 35 năm đổi mới.
Như vậy, Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Long An, mà còn lan tỏa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Long An cần phát huy truyền thống, biến tiềm lực thành nguồn lực phát triển theo tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân"; hóa giải được những mâu thuẫn, thách thức, tồn tại, yếu kém mà Quy hoạch tỉnh đã nêu lên; phát huy lợi thế trung tâm kết nối; phát huy tối đa các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, tự lực, tự cường đi lên từ nội lực của mình (gồm con người, thiên nhiên và truyền thống văn hóa lịch sử), đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất, cửa khẩu của mình; tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, thứ nhất, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Long An khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh 2 nội dung quan trọng gồm: Ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình "Một trung tâm – Hai hành lang – Ba vùng kinh tế xã hội – Sáu trục động lực"; chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ hai, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh, dựa trên nền tảng chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thứ ba, đẩy mạnh hợp tác công tư, thu hút nguồn lực, tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hệ thống đô thị, khu công nghiệp và cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế. Chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; trong đó tạo thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, huy động các doanh nghiệp và người dân tham gia. Tập trung phát triển logistics, đóng vai trò trung chuyển cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; tăng cường đối thoại, kịp thời giải quyết khó khăn vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản. "Yêu cầu các địa phương rà soát lại, cắt bỏ các thủ tục rườm rà; không ban hành các văn bản, thủ tục làm tăng chi phí cho người dân và doanh nghiệp, cản trở sự phát triển".
Thứ năm, chú trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đầu tư hơn nữa cho giáo dục, đào tạo, nhất là dạy nghề, phục vụ những ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh. Chú trọng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế; chú trọng tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia, khai thác hiệu quả vai trò đầu mối giao thương, hợp tác với các địa phương của Campuchia.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, sự thành công của Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Long An, tạo ra sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được, góp phần thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.