Thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trung Đức (tổng hợp)|16/03/2023 11:42

NHNN phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tổ chức hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh” vào ngày 15/3/2023 tại trụ sở Ngân hàng nhà nước Việt Nam (NHNN).

hinh-anh-sbv-vlr-16032023.jpg
Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại Trụ sở NHNN và NHNN chi nhánh 22 tỉnh, thành phố

Tại hội nghị, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đó, vẫn còn có phản ánh DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn còn khó khăn, vướng mắc.

Nguyên nhân khách quan từ bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước: Tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, ẩn chứa nhiều yếu tố bất ổn, tác động đến sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả hoạt động của DNNVV nói riêng.

Về phía ngành Ngân hàng, trong bối cảnh thực hiện cơ cấu lại hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng (TCTD) đang ngày càng đẩy mạnh áp dụng các chuẩn mực quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, đòi hỏi ngày càng cao tính minh bạch về thông tin, tài chính, tài sản bảo đảm của khách hàng nên các khoản cho vay vẫn phải đáp ứng đủ các điều kiện cấp tín dụng.

DNNVV là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, do đó các DNNVV phải đáp ứng được điều kiện về tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh để được tiếp cận chính sách ưu tiên trần lãi suất theo quy định.

Thời gian qua, trước diễn biến lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, việc điều hành chính sách tiền tệ cần đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát, cùng với giá cả nguyên vật liệu sản xuất tăng, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; việc tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ còn gặp khó khăn.

Việc tiếp cận thông tin về các DNNVV cũng còn hạn chế do hiện nay các TCTD chủ yếu khai thác thông tin thông qua việc tìm hiểu trực tiếp doanh nghiệp và qua Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC), chưa khai thác được tối đa các thông tin từ các hiệp hội, ngành hàng, cơ quan thuế, cơ quan hải quan... Cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua các Quỹ tài chính nhà nước chưa hiệu quả.

Về phía doanh nghiệp, do là DNNVV có quy mô vốn, vốn chủ sở hữu; năng lực tài chính, trình độ quản trị còn hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác; thiếu tài sản bảo đảm; không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ảnh hưởng tới việc xem xét cấp tín dụng của ngân hàng.

Bên cạnh đó, hiện đa số các DNNVV khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập trong thời gian qua, dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn.

DNNVV còn hạn chế về kỹ năng hoạch định, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh nên các phương án sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường thiếu tính khả thi và chưa có kế hoạch ứng phó với biến động thị trường, đặc biệt khi vừa qua nền kinh tế chịu nhiều tác động của đại dịch Covid-19. Đa phần các DNNVV chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập dự án kinh doanh, chỉ coi công tác lập dự án là thủ tục để huy động vốn.

Ngoài ra, vấn đề nổi lên là vướng mắc pháp lý đối với tài sản thế chấp của DNNVV, vướng mắc tài sản là hợp đồng thế chấp tại khu công nghiệp; tình trạng quy hoạch treo… dẫn đến không đáp ứng được điều kiện vay vốn của doanh nghiệp.

Để tiếp tục mở rộng tín dụng hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho DNNVV trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tập trung điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá và ổn định mặt bằng lãi suất cho vay góp phần tạo lập môi trường kinh doanh ổn định cho người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho DNNVV tiếp cận vốn; phối hợp với các bộ, ngành trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ DNNVV tại Luật Hỗ trợ DNNVV, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn thông qua Quỹ Phát triển DNNVV, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV tại địa phương.

Ngành Ngân hàng cũng đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có đối tượng thụ hưởng là DNNVV; chỉ đạo các TCTD tập trung vốn tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, trong đó có DNNVV; tiếp tục rà soát, cải tiến quy trình cho vay, thủ tục vay vốn, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay.

Đồng thời, tiếp tục triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh doanh theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội và Nghị quyết số 11 của Chính phủ, trong đó đẩy mạnh triển khai với quyết tâm cao nhất chính sách hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ; đa dạng các hình thức triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để cùng với chính quyền các địa phương trực tiếp tháo gỡ đồng bộ những khó khăn, vướng mắc của DNNVV.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DNNVV tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và thực hiện tốt công tác truyền thông để DNNVV nắm bắt, thực hiện đúng chủ trương, chính sách, các chương trình hỗ trợ của ngành Ngân hàng đối với DNNVV.

Phó Thống đốc khẳng định, ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tuy nhiên chính sách hỗ trợ tiếp cận tín dụng cần phải đặt trong tổng thể các chính sách hỗ trợ DNNVV, do đó cần có sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan, bộ, ngành, hiệp hội và các doanh nghiệp.

Theo sbv.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO