TP.HCM hướng đến tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon

M.Hiệp|07/09/2023 08:37

Ngày 6/9, Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Hội thảo diễn ra trước thềm Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 với chủ đề “Tăng trưởng xanh - Hành trình hướng tới giảm phát thải bằng không” do UBND TPHCM tổ chức diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2023.

ha-1-tckt-vlr-07092203.png
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo

TPHCM sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

Phát biểu định hướng tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh, nhận thức của TPHCM, đó là TP cần nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế TP, đóng góp cho kinh tế cả nước. Với những vấn đề nội tại hiện TP đang đối mặt là giảm dần động lực tăng trưởng, biến đổi khí hậu, chất lượng cuộc sống, an ninh năng lượng, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học.

Nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế TPHCM sẽ không có năng lực cạnh tranh mới, không thể đóng góp tốt cho kinh tế cả nước. Cùng với nhận thức trên, TPHCM xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng cho hay, thời gian qua, TPHCM đánh giá trong định hướng chung, khung pháp lý chung của cả nước về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững chưa nhiều. Do đó, TPHCM đã nghiên cứu khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Khung chiến lược này sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế TPHCM năm 2023 diễn ra vào tháng 9 tới.

ha-2-tckt-vlr-07092023.png
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với đại biểu tại hội thảo

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh. Đồng chí Phan Văn Mãi cũng khẳng định quan điểm, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Việc này thời gian tới, TPHCM sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến của các nhà khoa học, tham vấn chính sách tại hội thảo này, để TPHCM dần hoàn thiện khung pháp lý, từ đó động viên cả khu vực công lẫn cộng đồng doanh nghiệp, xã hội, trong đó truyền thông đi đầu cổ vũ, góp ý, thúc đẩy quá trình phát triển xanh bền vững của TP.

Hướng đến mục tiêu xây dựng thành phố tăng trưởng xanh

Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tham gia góp ý những vấn đề còn chưa rõ, những vướng mắc trong doanh nghiệp hướng đến xanh và thị trường tín chỉ carbon.

Đồng chí Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, với Nghị quyết 98, TPHCM nên nhanh chóng triển khai để thiết lập thị trường tài chính xanh, tín chỉ carbon. Việc đầu tiên là phải có sản phẩm, ưu tiên sản phẩm đặc thù của TPHCM chứ không dàn trải. TPHCM nên có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra sản phẩm, khuyến khích nhu cầu cũng như cơ hội để mua bán. Ngoài thị trường tuân thủ, thì thị trường trao đổi tự nguyện cũng nên tận dụng các sở giao dịch có sẵn. Về phía cơ quan nhà nước, phải cố gắng hết sức để có được khung chính sách.

ha-3-tckt-vlr-07092023.png
Các đại biểu tham gia thảo luận tại hội thảo

TS Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS) cho rằng, với mục tiêu xây dựng TPHCM thành thành phố tăng trưởng xanh, vận dụng các quy định tại Nghị quyết 98/2023/ QH15 của Quốc hội, TPHCM hoàn toàn có thể xây dựng đề án huy động trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp xanh phục vụ cho các mục tiêu, chương trình, dự án xanh đáp ứng đủ các tiêu chí phát triển xanh. TPHCM có thể phát hành trái phiếu xanh của chính quyền địa phương, để đầu tư một phần hay toàn bộ cho các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió ngoài khơi khu vực biển Cần Giờ; dự án chiếu sáng công cộng bằng năng lượng tái tạo; các dự án đốt rác phát điện; các dự án nạo vét, hồi sinh kênh, rạch, bờ kè; các dự án chống ngập, các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật, áp dụng công nghệ hướng đến giao thông xanh; hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường…

Th.S Nguyễn Thị Thu Hà (Đại học Kinh tế TPHCM) thông tin, TPHCM hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon mỗi năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. Với Quyết định số 3273, UBND TPHCM đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế - tương đương khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng.

Nhóm nghiên cứu đưa ra khuyến nghị, TPHCM cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành quan trọng. Điều này rất quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán về con đường giảm phát thải trong thời gian tới. Bên cạnh đó, TPHCM cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải.

Với vai trò trung tâm tài chính, TPHCM cần xây dựng các ưu đãi chính sách làm giảm rào cản gia nhập cho tín dụng xanh, thông qua các trợ cấp theo hướng đền bù rủi ro và bảo đảm tài trợ, cũng như hỗ trợ chi phí giao dịch liên quan đến phát hành trái phiếu xanh cho các tổ chức phát hành. Đặc biệt, TPHCM cần tận dụng các ưu đãi từ Nghị quyết 98 để dẫn dắt dòng vốn quốc tế vào Việt Nam, thông qua việc thúc đẩy giải pháp cải thiện cấu trúc của thị trường và kết nối thị trường trái phiếu xanh và thị trường carbon tự nguyện trong nước với khu vực. Thành phố nên coi đây là một nhiệm vụ quan trọng cho một trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới: xanh hóa và số hóa…

Theo thanhuytphcm.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Doanh nghiệp hướng đến các giải pháp công nghệ giảm lượng phát thải CO2
    Tại Hội thảo quốc tế lần 4 về Hạ tầng giao thông & Phát triển bền vững (TISDIC 2023) do Trường Đại Học Bách Khoa - Đại học Đà Nẵng và Liên hiệp Hội Xây dựng Việt Nam phối hợp tổ chức, Sika Việt Nam đã tham gia trình bày hai chuyên đề “Giảm tác động phát thải CO2 từ xi măng - Phát triển bền vững Vượt Kỳ Vọng” và “Hệ thống màng chống thấm thế hệ mới cho đường hầm SikaProof®-110”, gây ấn tượng với hội đồng khoa học cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM hướng đến tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO