Triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Trung Đức (tổng hợp)|31/03/2023 13:48

Tại tọa đàm của Báo Tuổi trẻ tổ chức với chủ đề “Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh", Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, đề xuất triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp là cần thiết.

Giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn

Theo ông Trần Xuân Toàn - Phó Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ cho biết, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước đang ở mức thấp. Trong khi đó, từ đầu năm 2023, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, kéo theo lãi suất huy động có dấu hiệu hạ nhiệt, tạo điều kiện thúc đẩy cho vay. Vốn có, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được.

Ông Toàn cho rằng, một trong những nguyên nhân chính là do bị ảnh hưởng bởi hồ sơ sức khỏe doanh nghiệp. Cụ thể, qua khảo sát, nhiều doanh nghiệp thuộc các ngành như dệt may, đồ gỗ, thuỷ hải sản… đang gặp phải tình trạng xuất khẩu giảm, đặc biệt gặp khó khăn ở thị trường EU và Mỹ, dẫn đến tình trạng hàng hóa bị ùn ứ, tồn đọng.

Ông Toàn nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình tọa đàm là tạo diễn đàn để các đại diện doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia và phía cơ quan quản lý nhà nước sẽ chia sẻ quan điểm, câu chuyện thực tế, từ đó giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách thuận lợi.

Tại tọa đàm, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề đã chia sẻ những câu chuyện thực tế về các khó khăn, thách thức các doanh nghiệp phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay, đồng thời cũng đưa ra một số kiến nghị với ngành Ngân hàng như vấn đề hỗ trợ giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay tài sản hình thành trong tương lai, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ hơn nữa…

ha-ong-dao-minh-tu-vlr-31032023.png

Đề xuất triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp

Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn của các doanh nghiệp, ngành nghề và cho rằng, đây là những khó khăn hiện tại chung của nền kinh tế và doanh nghiệp, trong đó có cả ngân hàng.

Ông nhấn mạnh về mối quan hệ cộng sinh giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cũng như những nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc tổ chức các diễn đàn đối thoại, kết nối với các doanh nghiệp để giải quyết các khó khăn và cùng nhau kiến nghị các chính sách cần sửa đổi.

Theo Phó Thống đốc, hiện nay, không riêng gì tại TP HCM mà hầu hết các lĩnh vực đều đang gặp khó khăn. Khó khăn này đến từ nhiều phía, trong đó phải kể tới các nguyên nhân khách quan do tác động của dịch Covid-19 và những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Việt Nam là đất nước có độ mở cửa lớn, chịu ảnh hưởng nhiều của tình hình thế giới. Bối cảnh lạm phát cao, vấn đề tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ... đều tác động đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Mục tiêu cao nhất của điều hành chính sách tiền tệ là ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, hỗ trợ cho nền kinh tế tăng trưởng.

Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã có các chính sách linh hoạt về lãi suất, tỷ giá, cung ứng tiền, giãn, hoãn, cơ cấu lại khoản nợ để hỗ trợ doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện cải cách thủ tục hành chính… Chính sách điều hành của NHNN đã giải quyết được mục tiêu quan trọng là kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền và đang có xu hướng tiếp tục duy trì giá trị đồng tiền, tỉ giá đang có xu hướng tiếp tục ổn định. Mục tiêu năm 2023 là tiếp tục duy trì sự ổn định của giá trị đồng tiền, cố gắng phấn đấu thực hiện kiểm sóat lạm phát, ổn định tỷ giá.

Ông khẳng định, hiện nay, thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) rất dồi dào, không thiếu vốn. “Chỉ đạo điều hành của Chính phủ, của NHNN với việc giảm lãi suất chính là thông điệp gửi đến doanh nghiệp rằng chúng tôi đã và đang giảm lãi suất. Quan điểm của NHNN lúc này là phải tiếp tục giảm lãi suất hỗ trợ nền kinh tế. NHNN đã điều hành các NHTM tiết giảm mọi chi phí để giảm lãi suất, sắp tới dự kiến sẽ vận động các NHTM giảm tiếp, giảm nhiều hay ít còn tùy theo năng lực tài chính của từng ngân hàng”, 

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, đề xuất triển khai giãn, hoãn nợ là cần thiết, tuy nhiên, còn phải xem xét ngành nghề nào, đối tượng nào được ưu đãi, cơ cấu giãn hoãn ở mức độ nào là phù hợp…

Theo sbv.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Thách thức cho chính sách tiền tệ
    Năm 2023 chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ như thế nào để đối phó với những diễn biến khó lường về kinh tế thế giới như lạm phát, xung đột Nga – Ukrane; động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria; biến thể dịch Covid...? Theo đó là tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN)...

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Triển khai giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO