Xuân đến ngẫm về hệ thống vận tải quốc gia

Lâm Tuệ|17/02/2021 08:40

(VLR) Còn nhớ đêm giao thừa năm ngoái, tôi gọi điện ra Hà Nội chúc tết thì một người bạn báo cho biết ngoài ấy vừa có mưa đá vào ngay đêm giao thừa. Nhà người bạn ấy ở Ô Quan Chưởng ngay khu phố cổ mà mưa đá rơi xuống mái nhà rào rào. Mưa đá vào đêm giao thừa ở Hà Nội là chuyện tôi chưa từng thấy khiến tôi thầm nghĩ “năm nay lạ quá”.

Mà năm 2020 lạ thật

Sau Tết là dịch COVID-19, bắt đầu từ Trung Quốc rồi càn quét ra châu Á, kéo đến châu Âu, lan sang châu Mỹ và tràn xuống cả Nam bán cầu tới Indonesia, Úc, New Zealand và các nước Mỹ Latinh. COVID-19 trở thành một đại dịch uy hiếp toàn thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ. Đến tháng 10, các cơn bão nối tiếp nhau, gây ra lũ lụt tàn phá miền Trung và Tây Nguyên Việt Nam. Đúng là một năm đầy khó khăn và thách thức.

Nước ta ngay từ đầu năm đã chiến đấu với dịch COVID-19 thật quyết liệt, và chỉ sau ít tháng chúng ta đã cơ bản ngăn chặn được đại dịch. Nền kinh tế đã sớm trở lại và đạt được tăng trưởng nhất định. Mức tăng trưởng dương (gần 3%) của năm nay là một thành tích mà ít có nước nào trên thế giới làm được. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Điều này chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các doanh nghiệp logistics. Nhưng thật mừng khi tôi được một người bạn là lãnh đạo một doanh nghiệp logistics lớn cho biết, nhờ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng nên hoạt động của doanh nghiệp vẫn phát triển. Thành tích ngăn chặn đại dịch COVID-19, sớm đưa nền kinh tế trở lại hoạt động trong điều kiện bình thường mới của Việt Nam đã được nhiều nước công nhận và khen ngợi. Thật đáng tự hào.

Hàng năm, tôi thường ra Hà Nội vào dịp cuối thu đầu đông để gặp lại bạn bè cũ và hưởng tiết trời thu se lạnh rực rỡ nắng vàng. Năm nay có dịch bệnh nên tôi không ra Hà Nội được. Nhưng những cuộc gặp bạn bè cũ cùng ôn lại những kỷ niệm xưa thì không bỏ qua được, vì vậy, tôi có hẹn với anh Hùng, một đồng nghiệp cũ cùng làm ở Phòng Vận trù máy tính, Bộ Giao thông vận tải những năm 70 của thế kỷ XX, sau đó Phòng này được chuyển thành Viện Kinh tế vận tải của Bộ. Những ngày trai trẻ đó, chúng tôi cùng nhau say sưa nghiên cứu những lý luận kinh tế về giao thông vận tải và nhất là lý thuyết về hệ thống vận tải thống nhất quốc gia. Trong hoàn cảnh chiến tranh và những khó khăn chồng chất sau chiến tranh, khi đó, chúng tôi đã tập trung nghiên cứu những vấn đềcănbảncógiátrịlâudàinhưhạtầngcơ sở (infrastructure), lý thuyết hệ thống, các phương pháp tối ưu hóa hệ thống giao thông vận tải,...

Anh Hùng cũng đã chuyển vào sinh sống tại TP. HCM hơn hai chục năm. Năm nay, tôi chủ động đến thăm anh. Anh làm một bữa liên hoan nhỏ giữa hai chúng tôi và ôn lại những kỷ niệm xưa.

Sau vài tuần bia, và hỏi han nhau về gia đình, bạn bè cũ người mất người còn, anh Hùng bỗng trầm ngâm và nói: “Thời gian trôi nhanh thật đấy. Hồi bọn mình làm với nhau đã cách nay gần 50 năm, rồi vào đây lần đầu gặp lại nhau cũng đã gần 30 năm".

Tôi thoáng giật mình và tính lại cũng thấy lâu thật. Tôi nhớ chúng tôi gặp lại nhau tại một cuộc hội thảo về logistics. Đây là một trong những hội thảo đầu tiên về logistics tổ chức tại khách sạn Kinh Đô trên đường Nguyễn Huệ gần Thương xá Tax cũ. Khi đó, khái niệm logistics còn mới nên mọi người thảo luận về vấn đề hiểu thế nào về logistics và nên định nghĩa nó ra sao. Nghĩa là nội dung còn rất sơ khai chuẩn bị cho việc đưa logistics vào luật của nước ta.

Như nhớ lại cuộc hội thảo đó, anh Hùng nói: “Người ta nhấn mạnh vào tính toàn hệ thống của logistics làm mình suy nghĩ về khái niệm hệ thống vận tải thống nhất quốc gia”.

Tôi nói: “Đúng là đề cập tới logistics, chuỗi cung ứng người ta thường phải xét đến hệ thống vận tải. Ngay trong các giáo trình logistics căn bản vẫn luôn giới thiệu về hệ thống giao thông vận tải”.

“Một hệ thống vận tải bao gồm hai thành phần, một thành phần thuộc về hạ tầng cơ sở quốc gia (infrastructure) gồm hệ thống đường sá, các đầu mối giao thông như ga cảng, các đầu mối như kho, bến bãi,... Thành phần thứ hai là phương tiện vận chuyển”, anh Hùng giải thích thêm.

Anh Hùng nói tiếp: “Thời gian qua, nước ta làm được rất nhiều việc, chỉ nhìn vào hệ thống đường sá, cảng biển và hệ thống kho bãi được xây dựng trong hai chục năm qua mới thấy thành tích không phải là nhỏ”.

“Đúng thế, logistics phát triển cũng nhờ vào kết quả này”

“Tuy nhiên, mình vẫn thấy có sự chưa thật hài hòa cân đối. Chúng ta có vận tải bộ, thủy, sắt, hàng không và đường ống trong một hệ thống vận tải. Đường bộ và đường thủy phát triển rất mạnh, nhưng đường sắt gần như tụt hậu. Ngày xưa, chúng ta nhấn mạnh vào ưu điểm của đường sắt trong vận chuyển hàng nặng, như sắt thép, quặng, xi măng, vật liệu xây dựng,... đi đường dài. Nhưng hình như bây giờ ôtô đã làm thay việc đó, tình trạng xe quá tải gây hư hỏng đường cũng một phần vì nguyên nhân này. Việc xây dựng khucảngSaoMai-BếnĐìnhcũnglàmộtvídụvề tính thiếu đồng bộ khi các cầu cảng, bến bãi đã hình thành mà các đường liên cảng nội bộ và đường giao thông nối khu vực này của Vũng Tàu vẫn chưa phát triển kịp để nối khu vực cảng này với hệ thống đường bộ quốc gia. Việc chuyển tải bằng đường thủy nội địa góp phần giải quyết những khó khăn cho khu vực cảng này. Có lẽ ta cần cân nhắc xem loại hình vận tải nào thích hợp với vận chuyển gì để quy hoạch và xây dựng”.

“Chúng ta vẫn còn thiếu những trung tâm phân phối hàng hóa lớn. Hệ thống kho nhỏ và phân tán làm giảm đi khả năng vận chuyển và phân phối hàng hóa.

Trước kia ta cũng nghiên cứu xây dựng những khu kho lớn phục vụ cho lưu thông phân phối hàng hóa từng vùng, như: khu kho cho miền Đông Nam Bộ ở Đồng Nai... Nhưng vẫn chưa làm được”.

“Còn về phương tiện vận chuyển có gì thay đổi?”, tôi hỏi

“Về mặt này phải nói là chúng ta container hóa rất nhanh. Một phần là nhờ chúng ta đã tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn của thế giới nên hệ thống vận tải của ta đã kết nối với mạng lưới vận chuyển thế giới, với những hãng tàu lớn vận chuyển ra khắp thế giới. Nhưng cũng phải nói tới những cố gắng và tiến bộ của ta. Tôi nhớ vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, một công ty ở Thành phố đã hoán cải tàu sông để chở container trong đường thủy nội địa. Đó là tàu nhỏ chỉ có thể chở được 16TEUs, lần đầu tiên đưa container về cảng Đồng Tháp, và cảng này bắt đầu phục vụ container từ đó. Bây giờ, chúng ta có thể thường xuyên thấy các tàu sông chở hàng trăm TEU trên các sông. Các cảng sông cũng đã phát triển và làm được hàng container”.

“Nói đến sự phát triển của logistics phải nói tới nền tảng của nó là thương mại. Sự hội nhập thế giới thể hiện rất rõ qua việc ta tham gia vào những chuỗi cung ứng lớn trên thế giới. Hàng hóa xuất khẩu qua các chuỗi cung ứng này càng nhiều, và hàng nhập khẩu cũng vậy. Logistics tham gia phục vụ các chuỗi này là một hoạt động quan trọng giúp sự lưu thông thông suốt. Tuy nhiên, chi phí logistics của ta còn cao là một trở ngại lớn. Việc trao đổi hàng hóa trong nước cũng rất quan trọng, logistics cũng phải tham gia vào quá trình lưu thông hàng hóa. Như vậy phát triển logistics cần chú trọng phục vụ cả nội thương lẫn ngoại thương”.

“Đúng là còn nhiều vấn đề phải nghiên cứu để cho hệ thống giao thông vận tải phát triển, nhất là hệ thống đường sá, các đầu mối như cảng bến, kho bãi,...”.

Anh Hùng nói thêm, vừa qua Chính phủ đã rất quyết liệt trong việc huy động và sử dụng vốn ODA trong năm nay để xây dựng và phát triển hạ tầng cơ sở là rất đúng. Hệ thống giao thông của ta vẫn còn nhiều việc phải làm, mặt khác tăng đầu tư công là một giải pháp kinh tế mạnh giúp khôi phục nền kinh tế trong cảnh đại dịch làm kinh tế đình đốn.

Anh Hùng mân mê chiếc điện thoại trên tay suy nghĩ một chút rồi nói: “Công nghệ thông tin bây giờ phát triển quá. Ông có nhớ hồi những năm cuối 1980 đầu 1990 mình có chiếc điện thoại di động vào loại sớm. Điện thoại to như một cục gạch chủ yếu chỉ để gọi nói chuyện. Còn nhắn tin thì có máy nhắn tin riêng khác. Mạng internet chưa có. Mình nhớ hồi đó có máy tính để bàn loại 280 là hiện đại nhất rồi, chủ yếu vẫn chỉ phục vụ công việc văn phòng như soạn thảo văn bản, in tài liệu. Bây giờ, máy tính mạnh lên rất nhiều. Nhiều tính năng của máy tính cũng được tích hợp vào chiếc điện thoại nhỏ này".

“Hiện nay chúng ta đang ở thời kỳ 4.0 mà. Nhờ có máy tính và mạng internet mà nhiều việc dễ được thực hiện, nhất là trong sản xuất kinh doanh. Máy tính và mạng đã tham gia vào quản lý hàng hóa kho cảng, bến bãi, kiểm tra hải quan,... Nhiều doanh nghiệp logistics, cảng đã trang bị máy tính với những phần mềm chuyên dụng để làm công việc này. Đây là những thí dụ về việc tin học hóa và tự động hóa công tác quản lý sản xuất”.

“Một tin rất đáng mừng là ta vừa triển khai thành công mạng 5G tại Hà Nội và TP. HCM. Với mạng 5G, chúng ta có điều kiện để phát triển tự động hóa, những nhà máy thông minh, đô thị thông minh,... có cơ sở để phát triển".

Đúng là chúng ta có nhiều việc cần làm nhằm xây dựng một hệ thống vận tải có thể tạo điều kiện phát triển đồng đều các khu vực, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, kinh tế và lưu thông hàng hóa. Điều đó cũng là tạo điều kiện phát triển logistics.

Ngồi uống bia, thấy cây mai nhà anh Hùng đã nở một vài bông. Anh Hùng bảo vừa có mấy trận mưa trái mùa, lại thêm năm Canh Tý là năm nhuận nên mai nở sớm. Sắc vàng tươi, rực rỡ của hoa mai dưới nắng như báo hiệu một năm mới sắp đến tươi đẹp hơn.

Năm Canh Tý - 2020, một năm đầy khó khăn và thử thách cũng qua đi. Nhìn sắc mai vàng tươi tắn, tôi tin tưởng vào sự phát triển của đất nước trong tương lai. Năm Tân Sửu - 2021, mong rằng nền kinh tế nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ như một chú Trâu mới.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Xuân đến ngẫm về hệ thống vận tải quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO