"Cần xây dựng nền kinh tế có khả năng thích ứng với các biến động!"

Trần Trình Lãm|12/03/2020 16:26

(VLR) Theo báo cáo Đánh giá ảnh hưởng của dịch do virus Corona chủng mới (COVID-19) đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ra tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 12/02/2020, GDP Việt Nam có khả năng giảm xuống dưới mốc 6% do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vì vậy, việc xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc, có khả năng chống và thích ứng với các biến động bên ngoài là điều cần được đặt ra.

Dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu sụt giảm

Ngày 12/02, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì nhằm đánh giá tác động của dịch COVID-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, cập nhật và đưa ra những dự báo tăng trưởng cho năm 2020, cùng nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành nhằm hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020, nhiều ý kiến nhận định kinh tế thế giới năm 2020 sẽ có xu hướng giảm sút.

Tác động từ dịch COVID-19 sẽ khiến quá trình suy thoái kinh tế thế giới càng diễn ra nhanh và rõ ràng hơn. Đặc biệt, trong trường

Cần khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam. Làm sao phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

hợp dịch bệnh có thể kéo dài, hậu quả sẽ càng nặng nề. Dịch COVID-19 cũng đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Việt Nam; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ…

Tại tọa đàm trực tuyến “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam?” ngày 6/02, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định, ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ sự bùng phát dịch COVID-19. Theo ông Thành, Việt Nam đón lượng khách du lịch Trung Quốc hàng năm chiếm khoảng 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Việc du khách Trung Quốc giảm mạnh không chỉ có nguy cơ phá vỡ mục tiêu thu hút khách du lịch quốc tế, mà còn tác động sâu sắc đến doanh thu ngành du lịch cũng như đóng góp của ngành vào GDP quốc gia.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong tình thế kiểm soát dịch, các biện pháp liên quan đến thắt chặt qua lại biên giới có thể sẽ được đẩy mạnh. Do vậy hoạt động xuất khẩu của Việt Nam và Trung Quốc cũng gặp khó khăn trong một thời gian nhất định. Nhất là các ngành nghề xuất khẩu theo đường biên giới trên bộ và tiểu ngạch sang Trung Quốc như nông sản, thủy sản, thực phẩm… Bên cạnh đó, một số ngành sản xuất tại Hồ Bắc (Trung Quốc) có thể bị đình trệ, kéo theo gián đoạn nguồn cung, dẫn đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hoặc các doanh nghiệp có nguồn nguyên vật liệu phụ thuộc vào nước này trước mắt có thể chịu nhiều ảnh hưởng. Nhất là với ngành dệt may, điện tử, tiêu dùng, thép dẹt…

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc, chắc chắn sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ. Theo đó, đối với kim ngạch xuất nhập khẩu, trong trường hợp dịch bệnh kéo dài hết quý II năm 2020 thì ước tính kim ngạch quý II chỉ đạt 58,5 tỷ USD xuất khẩu, giảm 8,1%, còn về nhập khẩu đạt 61 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2019.

“Cơ hội” để Việt Nam nhìn lại chính mình

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19 cũng có ngành có thể được “hưởng lợi” ngắn hạn nhờ sự gián đoạn nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam. Đây là những ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm của Trung Quốc như dệt may, thép, săm lốp. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDS) cho rằng, những ngành mà Việt Nam và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu cũng có thể ghi nhận đơn hàng gia tăng trong ngắn hạn, do sự chuyển dịch tạm thời từ Trung Quốc sang Việt Nam như dệt may và da giày. Cũng theo ông Tuấn, nhóm ngành dược, vật tư y tế và bán lẻ dược có thể được hưởng lợi, bao gồm các doanh nghiệp được phép nhập khẩu thuốc (đặc biệt là thuốc đặc trị) và các công ty phân phối, sản xuất vật tư y tế.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI (SSI) thì cho rằng, với bán lẻ truyền thống, hoạt động thương mại điện tử có thể được ưu tiên lựa chọn. Khi người dân giảm nhu cầu đi mua sắm tại cửa hàng thì nhu cầu mua sắm online, giao hàng, chuyển phát có thể gia tăng. Cũng theo SSI, trong quý I/2020, các nhà máy nhiệt điện khí sẽ được hưởng lợi từ giá dầu thô sụt giảm cũng như giá khí thấp hơn.

Trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây cũng là cơ hội để Việt Nam nhìn lại chính mình, thấy được các điểm yếu của nền kinh tế; là cơ hội để sắp xếp, cơ cấu lại, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế; là lúc chúng ta nhìn lại các cơ cấu kinh tế, sau đó phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu từng lĩnh vực, từng ngành một. “Cần khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam phát triển, khuyến khích hàng hóa do người Việt Nam sản xuất, bởi người Việt Nam và tại Việt Nam. Làm sao phải xây dựng được một nền kinh tế độc lập tự chủ, ít phụ thuộc hơn, khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn”, ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bắt đầu xuất hiện và lây lan từ cuối năm 2019 tại Vũ Hán (Trung Quốc). Trước quy mô dịch bệnh gây ra, ngày 30/01/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Ngày 01/02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức công bố dịch COVID-19 tại Việt Nam. Thời điểm công bố, Việt Nam ghi nhận 6 ca dương tính với virus Corona tại 4 tỉnh thành là TP. HCM, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Nha Trang. Trước đó, Bộ Y tế cũng đã công bố dịch COVID-19 tại Khánh Hòa, sau khi ghi nhận một ca dương tính tại đây.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
"Cần xây dựng nền kinh tế có khả năng thích ứng với các biến động!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO