Đại hội VLA Nhiệm kỳ IX (2024-2027): Cam kết tiếp tục đổi mới, xây dựng ngành Logistics Việt Nam phát triển

Văn Lê - Phó Bá Cường|19/07/2024 23:02

Ngày 19/7/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã long trọng tổ chức Đại hội toàn thể Nhiệm kỳ IX (2024-2027).

dsc_3438.jpg
Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA Nhiệm kỳ VIII phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Đại hội, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch VLA (Nhiệm kỳ VIII) đã nhìn lại nhiệm kỳ VIII, một nhiệm kỳ vừa qua với nhiều thách thức, đặc biệt là giai đoạn đại dịch Covid-19. Ông Hiệp cho rằng đây là thời kỳ khó khăn không chỉ đối với ngành dịch vụ logistics mà còn đối với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh ấy, Hiệp hội VLA đã nỗ lực, đoàn kết và kiên trì vượt qua mọi trở ngại của bối cảnh khó khăn. VLA đã có những đóng góp quan trọng trong việc hỗ trợ ngành dịch vụ logistics trong nước vượt qua khó khăn không chỉ trong thời kỳ dịch Covid mà còn cả trong giai đoạn hậu Covid.

dsc_3792.jpg-2-1-.jpg
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA Nhiệm kỳ IX (2024-2027) phát biểu nhận nhiệm vụ tại Đại hội

Tại Đại hội VLA Nhiệm kỳ IX - ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực VLA Nhiệm kỳ VIII; Chủ tịch/ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giải Pháp Logistics DTK đã được Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Chủ tịch VLA Nhiệm kỳ IX (2024- 2027).

Các đề xuất, sáng kiến và biện pháp hỗ trợ kịp thời của VLA đã giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi với những thay đổi bất thường, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đảm bảo chuỗi cung ứng tránh khỏi những gián đoạn. VLA đã thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp thành viên, từ việc cung cấp thông tin kịp thời, chia sẻ kinh nghiệm đối phó với đại dịch, đến việc phối hợp với các cơ quan chức năng để giải quyết những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động logistics trong và sau đại dịch.

Thế giới hiện đang phải đối mặt với nhiều biến động và thách thức, trong đó có cuộc xung đột tại khu vực Trung Đông và Biển Đỏ. Những biến động này không chỉ gây ra những tổn thất to lớn về người và của, mà còn tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới các hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu, bao gồm cả ngành logistics. Tình hình an ninh tại các khu vực chiến lược như eo biển Hormuz hay kênh đào Suez, những điểm nút quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đang trở thành mối lo ngại không nhỏ cho tất cả chúng ta.

dsc_3827-1-.jpg
dsc_3495-1-.jpg
dsc_3804-1-.jpg
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) và Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Đại diện Vụ Tổ chức phi Chính phủ (Bộ Nội vụ) chúc mừng và chụp ảnh lưu niệm cùng các thành viên Ban Chấp hành VLA - Nhiệm kỳ IX

Trong bối cảnh đó, ngành dịch vụ logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thành viên của VLA đã có những bước chuẩn bị và sẵn sàng đối mặt với các thách thức và biến động có thể xảy ra. Cần nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hợp tác quốc tế và ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu hóa hoạt động logistics, đảm bảo sự thông suốt và an toàn cho các chuỗi cung ứng.

Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Phải thừa nhận rằng trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5%-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”. Để đạt được mục tiêu nêu trên, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp. Trong đó, vai trò của Hiệp hội VLA là rất quan trọng.

Cùng nhìn nhận rằng, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Hiệp hội VLA đã góp phần quan trọng trong việc duy trì và phục hồi hoạt động logistics, hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Chính tinh thần hợp tác, đoàn kết vươn lên mạnh mẽ của toàn thể thành viên Hiệp hội đã giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh hơn sau đại dịch.

Tham dự Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương – Phan Thị Thắng đã phát biểu: Qua theo dõi hoạt động của Hiệp hội suốt nhiệm kỳ vừa qua, tôi rất vui mừng trước sự phát triển của Hiệp hội và đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội VLA đã đạt được trong nhiệm kỳ VIII (2021 - 2024), đặc biệt là những đóng góp của Hiệp hội trong công tác phản biện chính sách, thúc đẩy hợp tác quốc tế; quảng bá, giới thiệu, kết nối hợp tác ngành nghề trong nước, khu vực và thế giới. Sự tham gia, góp ý của Hiệp hội trong việc xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến ngành dịch vụ logistics cũng như phản ánh các vấn đề nóng, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong ngành có ý nghĩa to lớn, là một căn cứ quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước hoạch định chiến lược, xây dựng cơ chế, chính sách phát triển ngành dịch vụ logistics nói riêng và nền kinh tế nói chung.

dsc_3600-1-.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương – Phan Thị Thắng phát biểu ghi nhận các nỗ lực, đóng góp của VLA trong sự phát triển ngành Logistics Việt Nam

Bà Thắng cho rằng, nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân, Hiệp hội VLA đã cùng cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics trong thực hiện “mục tiêu kép” không chỉ phòng, chống đại dịch Covid-19, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, thuốc phục vụ người dân trên cả nước mà còn tranh thủ cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do để góp phần phục hồi nhanh các hoạt động kinh tế, ổn định tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 đạt 545,36 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019 và vượt qua mọi khó khăn của giai đoạn đại dịch Covid-19, xuất nhập khẩu là điểm sáng tích cực của kinh tế Việt Nam, liên tục vượt mốc 600 tỷ USD vào năm 2021 và 700 tỷ USD vào năm 2022, năm 2023 đạt 683 tỷ USD và trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023. Lưu thông hàng hóa trong nước về cơ bản được đảm bảo, nhất là các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Các ý kiến của lãnh đạo Bộ Công Thương đã cho rằng, thông qua những kết quả đạt được của ngành logistics Việt Nam trong thời gian qua có sự bắt nguồn từ nỗ lực cải cách của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng. Bên cạnh đó cũng ghi nhận những nỗ lực cải thiện, đầu tư và sáng tạo từ bản thân các doanh nghiệp.

Đồng thời, các ý kiến từ các đại biểu tham dự Đại hội tựu trung cũng thừa nhận rằng ngành dịch vụ logistics Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như chi phí dịch vụ còn cao, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể, nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics còn thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp… đó là những vấn đề cốt lõi mà ngành dịch vụ logistics Việt Nam cần khắc phục, đổi mới để phát triển.

Bước vào nhiệm kỳ IX, các thành viên Ban Chấp hành Nhiệm kỳ IV cùng tin tưởng và quyết tâm đoàn kết đưa VLA sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, không ngừng đổi mới và sáng tạo, góp phần xây dựng ngành logistics Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

dsc_3662-1-.jpg
Đại hội cũng đã nghiêm túc bầu chọn 19 thành viên Ban Chấp hành VLA - Nhiệm kỳ IX (2024-2027)

Danh sách Ban Chấp hành VLA – Nhiệm kỳ IX

1. Ông Phạm Hải Anh, Phó Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Cổ phần Đường Sông Miền Nam;

2. Ông Nguyễn Hoài Chung, Giám đốc Công ty TNHH Phaata;

3. Ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn;

4. Ông Trần Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Trường Hàng không và Logistics Việt Nam;

5. Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Sao á D.C;

6. Ông Nguyễn Xuân Hiệp, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Chuyển phát nhanh Nội Bài;

7. Ông Trần Việt Huy, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ Hàng hải;

8. Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại Đường sắt;

9. Bà Phạm Thị Lan Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần OPL Logistics;

10. Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch/ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Giải Pháp Logistics DTK

11. Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Mỹ Á;

12. Ông Đỗ Xuân Minh, Giám Đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn ;

13. Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Tiếp vận Quốc tế ;

14. Ông Lê Hoài Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Hàng hải MACS ;

15. Ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Logistics U&I

16. Ông Lê Trần Nhật Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giao nhận Vận tải Con Ong;

17. Ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Quốc tế Logistics Việt Nam;

18. Ông Đặng Vũ Thành, Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Kho vận Miền Nam;

19. Ông Nguyễn Xuân Thảo, Giám đốc Logistics Công ty Cổ phần Gemadept.

Chủ tịch/ Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký - Nhiệm kỳ IX

  1. Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch
  2. Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch
  3. Ông Đỗ Xuân Quang, Phó Chủ tịch
  4. Ông Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch
  5. Ông Nguyễn Duy Minh, Phó Chủ tịch
  6. Bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch
  7. Ông Trần Chí Dũng, Tổng Thư ký

Ban kiểm tra VLA – Nhiệm kỳ IX

  1. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngân, Phó Giám đốc Công ty TNHH Bảng vàng;
  2. Bà Nguyễn Thị Thanh Trang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại lý Hàng hải Việt Nam;
  3. Bà Nguyễn Thị Tú Uyên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Vận chuyển CMU Logistics.

Bài liên quan
  • VLA (2024-2027):
Kỳ 4: Nhiệm vụ & những kỳ vọng
    Nhiệm kỳ IX của Hiệp hội có thời hạn là 3 năm (2024-2027). Đây là thời kỳ được dự báo quốc gia, khu vực, thế giới đối mặt với nhiều thách thức, suy thoái kinh tế, vấn đề địa chính trị,… Do vậy, phương hướng hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ tới sẽ có nhiều điều chỉnh, thay đổi để có thể thích ứng và phát triển trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Đại hội VLA Nhiệm kỳ IX (2024-2027): Cam kết tiếp tục đổi mới, xây dựng ngành Logistics Việt Nam phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO