DẦU KHÍ – NGUỒN TÀI NGUYÊN VÔ GIÁ

Dầu khí có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế toàn cầu, cũng như đối với từng quốc gia. Ngành dầu khí luôn là ngành mũi nhọn, cung cấp nguồn nguyên liệu quan trọng cho xã hội hiện đại, đặc biệt là để sản xuất điện và nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải. Ngành dầu khí còn cung cấp đầu vào cho các ngành công nghiệp như: công nghiệp hóa chất, phân bón và nhiều ngành khác,... Dầu khí trở thành ngành năng lượng quan trọng, cần thiết đối với đời sống xã hội. Ngành dầu khí mang lại lợi nhuận siêu ngạch cho các quốc gia sở hữu, chi phối và tham gia trực tiếp kinh doanh nguồn tài nguyên dầu khí. Đối với Việt Nam, vai trò và ý nghĩa của ngành dầu khí càng trở nên quan trọng trong bối cảnh nước ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa.

Giàn BK21-Mỏ Bạch Hổ - một trong những mỏ dầu khí lớn nhất Việt Nam - Nguồn: Petrovietnam

CÁC MỎ DẦU LỚN CỦA VIỆT NAM

Dầu mỏ của Việt Nam thuộc loại dầu nhẹ, ngọt. Giá dầu của Việt Nam cũng vì thế mà có giá cao hơn giá dầu của một số nước khác. Việt Nam có nguồn dầu mỏ với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới. Trong đó phải kể điểm qua các mỏ dầu sau:

Mỏ Bạch Hổ - Mỏ dầu khí lớn có trữ lượng nhất nhì Việt Nam - Nguồn: Wikipedia

Bạch Hổ là tên một mỏ dầu đang khai thác của Việt Nam thuộc bồn trũng Cửu Long. Mỏ nằm ở vị trí Đông Nam, cách bờ biển Vũng Tàu khoảng 145 km. Đây là mỏ cung cấp dầu mỏ chủ yếu cho Việt Nam hiện nay. Đơn vị khai thác mỏ này là Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro (Việt - Nga) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Từ mỏ này có đường ống dẫn khí đồng hành vào bờ cung cấp cho Nhà máy Khí hóa lỏng Dinh Cố, Nhà máy điện Bà Rịa và Trung tâm điện lực Phú Mỹ cách Vũng Tàu 40 km. Mỏ Bạch Hổ hiện đang khai thác bằng chế độ tự phun, góp phần quan trọng cho nền kinh tế nước nhà.

Mỏ Rạng Đông – Bà Rịa Vũng Tàu - Nguồn: PVFCCo

Mỏ Rạng Đông là hợp đồng dầu khí có tiến độ triển khai kỷ lục. Năm 1994, hai năm sau khi ký hợp đồng đã có phát hiện thương mại và đến năm 1998 thì dòng dầu đầu tiên từ mỏ Rạng Đông đã được phát hiện. Hiện tại, Mỏ Rạng Đông cho sản lượng khai thác trung bình khoảng 40.000 thùng/ngày.

Ngoài hai mỏ Rạng Đông và Bạch Hổ còn có các mỏ dầu khí khác như Lan Tây, Lan Đỏ, Hồng Ngọc, Sư Tử Vàng,... trữ lượng tương đối lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam.

Khai thác dầu thô (ảnh minh họa) - Nguồn: FTV

GIÁ TRỊ TO LỚN CỦA DẦU KHÍ

Dầu khí (petroleum) là các dạng hydrocarbon tự nhiên, có thể tồn tại dưới 3 trạng thái: khí (ví dụ khí thiên nhiên), lỏng (dầu thô, khí dầu lỏng tự nhiên…), rắn (bitum, băng cháy). Dầu khí thuộc nhóm các loại năng lượng hóa thạch (fossil fuels) hữu hạn. Các sản phẩm dầu khí có thể được sử dụng làm nhiên liệu đốt (combustion fuels) trực tiếp và cũng có thể là nguồn nguyên liệu đầu vào cho nhiều  ngành công nghiệp (lọc dầu, hóa dầu, sản xuất hóa chất nói chung, sản xuất vật liệu xây dựng, dược phẩm, hàng tiêu dùng…). Bắt đầu từ thế kỷ 18 đến nay, dầu khí đã trở thành một loại hàng hóa chiến lược vì nó chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế, chính trị, quốc phòng của cả thế giới.

Băng cháy – Methan Hydrat - Nguồn: Khoahoc.TV

Dầu khí được sử dụng rất nhiều trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó quan trọng nhất là làm nhiên liệu để sản xuất xăng, dầu diesel, dầu hỏa,... Các sản phẩm này được sử dụng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông, máy móc thiết bị.

Dầu Diesel còn được biết đến với tên gọi là dầu gasoil (DO) được phát minh bởi một kỹ sư nổi tiếng ở Đức là ông Rudolf Diesel vào năm 1982 với 4 chu kỳ hoạt động nạp - nén - nổ - xả. Đây là một loại nhiên liệu lỏng, có thành phần chưng cất nằm giữa dầu hỏa và dầu bôi trơn công nghiệp. Những loại dầu này có trọng lượng nặng hơn xăng và dầu lửa và bốc hơi ở nhiệt độ từ 175 - 370 độ C. 

Hiện nay, dầu Diesel được sử dụng phổ biến làm nhiên liệu đốt trong cho các dòng xe nâng chạy bằng dầu, giúp xe hoạt động mạnh mẽ ở những địa hình gồ ghề và phức tạp với khả năng nâng đến hàng chục tấn hàng.

Dầu Diesel (ảnh minh họa) - Nguồn: Dossan

Không chỉ có thế, dầu khí còn là nguồn nguyên liệu chính trong công nghiệp hóa dầu, được sử dụng để sản xuất các sản phẩm hóa chất, nhựa, cao su,... Các sản phẩm này được sử dụng rộng rãi trong đời sống, sản xuất và xây dựng.

Nhựa đường (còn gọi là bitum) là sản phẩm cuối cùng thu được từ công nghệ lọc dầu mỏ, bao gồm các hợp chất hydrocacbua cao phân tử như: CnH2n+2, CnH2n, hydrocacbua thơm mạch vòng (CnH2n-6) và một số dị vòng có chứa O, S, N; ở trạng thái tự nhiên, có dạng đặc quánh, màu đen. Nhựa đường đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải của thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng.

Nhựa đường sinh ra từ quá trình lọc hóa dầu phục vụ xây dựng hạ tầng giao thông vận tải đường bộ

Ngoài ra, dầu khí sau khi chế biến còn là nguyên liệu chính trong việc sản xuất phân bón. Nhà máy đạm Phú Mỹ được xây dựng tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nó là thành phần trong cụm Khí – Điện – Đạm của Việt Nam, là nhà máy phân bón lớn và hiện đại đầu tiên của PetroVietnam. Sự ra đời của nhà máy Đạm Phú Mỹ là bước đột phá trong chiến lược của Nhà nước, nhằm đảm bảo sự ổn định và chủ động cung cấp phân đạm cho phát triển nông nghiệp, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực.

Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc PetroVietnam - Nguồn: Báo Thanh Niên

Nhà máy được thiết kế với công suất 2.200 tấn Urê/ngày (tương đương khoảng 740.000 tấn/năm), 1.350 tấn Amôniắc/ngày (tương đương khoảng 450.000 tấn/năm). Nguyên liệu chính của nhà máy là khí đồng hành từ mỏ dầu Bạch Hổ và các mỏ trong bể Cửu Long, ngoài ra có thể sử dụng khí thiên nhiên từ các bể khác thuộc thềm lục địa phía Nam. Lượng khí tiêu thụ cho nhà máy khoảng 450 triệu m3/năm. Sản phẩm chính của Nhà máy là Urê hạt trong, và Amoniắc lỏng, với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn Quốc tế.

KHÓ KHĂN PHẢI ĐƯƠNG ĐẦU

Tình hình địa chính trị quốc tế và Biển Đông diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đối với Nga đã làm giá dầu thế giới tăng cao, nhưng cũng khiến cho các dự án khai thác dầu khí của Việt Nam tại khu vực Biển Đông gặp nhiều khó khăn. Tốc độ dịch chuyển năng lượng diễn ra nhanh chóng đã làm giảm nhu cầu sử dụng dầu khí trên thế giới. Điều này cũng khiến cho giá dầu thế giới giảm sút, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam. Trữ lượng dầu khí của Việt Nam đang có xu hướng suy giảm. Theo số liệu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), trữ lượng dầu khí đã phát hiện của Việt Nam hiện chỉ còn khoảng 2,5 tỷ tấn dầu quy đổi, thấp hơn nhiều so với tiềm năng ước tính. Điều này đặt ra thách thức lớn cho ngành dầu khí Việt Nam trong việc đảm bảo sản lượng khai thác trong những năm tới.

Ngoài ra, việc khai thác dầu khí cũng ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người.

Dầu loang trên biển do tai nạn tàu khi vận chuyển - Nguồn: Tạp chí Công nghiệp Môi trường

ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Tăng cường tìm kiếm các mỏ dầu khí mới là biện pháp cấp bách giúp Việt Nam ổn định nguồn cung cấp dầu khí. Đẩy mạnh công nghiệp lọc hóa dầu, chế biến dầu khí nhằm tăng giá trị, gia tăng lợi nhuận.

Khoa học công nghệ là yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả khai thác dầu khí. Các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất.

Hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực khai thác dầu khí của Việt Nam. Các doanh nghiệp dầu khí Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh.


Bài liên quan
  • ‏Điểm danh các cảng biển lớn ở Việt Nam‏
    Ngành cảng biển là một trong những ngành dịch vụ đặc thù, vừa đầu tư tài sản cố định lớn vừa thâm dụng lao động nhiều. Các cảng biển Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chức năng đầu mối giao thông và phân phối, đồng thời là động cơ thúc đẩy phát triển kinh tế tại các thành phố cảng và các vùng vệ tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Dầu khí - nguồn tài nguyên vô giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO