Kêu gọi “đại bàng” đầu tư vào các khu công nghiệp mới

Thanh Nguyên|05/07/2023 16:24

Nhằm mở rộng hạ tầng công nghiệp để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đến với thành phố, cuối tháng 6-2023, UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới của thành phố gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha, mục tiêu thu hút các dự án có quy mô vốn hàng chục triệu đô la Mỹ.

880ha đất tại các khu công nghiệp mới chờ "đại bàng" đầu tư

Qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, cơ sở hạ tầng công nghiệp của Đà Nẵng hiện có 2.325 ha. Hầu hết các khu công nghiệp (KCN) đều có khả năng thu hút khá nhanh các dự án đầu tư ngay từ khi đi vào hoạt động, số lượng dự án đầu tư mới qua các giai đoạn đều có xu hướng tăng.

Lũy kế đến hết tháng 5-2023, Khu công nghệ cao (CNC), Khu công nghệ thông tin tập trung (CNTTTT) và các KCN Đà Nẵng đã thu hút 516 dự án, trong đó có 391 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 31 ngàn tỷ đồng và 125 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 1.889 triệu USD.

ha-1-da-nang-vlr-05072023.png
Công nhân, kỹ sư làm việc tại Công ty TNHH Universal Alloy Corporation Vietnam (UACV) do Mỹ đầu tư với tổng số vốn 170 triệu USD

Các dự án đầu tư trong các KCN đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng tích cực, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như chất lượng nguồn nhân lực thành phố. Đồng thời, góp phần giải quyết gần 80.000 việc làm, hàng năm đóng góp bình quân khoảng 21% nguồn thu ngân sách thành phố, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp trong giai đoạn 2015-2020 khoảng 7,9%.

Với mục tiêu mở rộng hạ tầng công nghiệp để tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư đến với thành phố, cuối tháng 6-2023, UBND thành phố phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới của thành phố gồm: Hòa Cầm giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh với tổng diện tích khoảng 880 ha.

Trong đó, KCN Hòa Nhơn (đặt tại xã Hòa Nhơn và xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) có quy mô 360,1 ha với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp... Mục tiêu thu hút ít nhất 02 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 04 triệu USD/ha.

KCN Hòa Cầm – Giai đoạn 2 (đặt tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ và xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) với quy mô 120,019 ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Mục tiêu thu hút ít nhất 01 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 04 triệu USD/ha.

KCN Hòa Ninh (đặt tại tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) có quy mô 400,02 ha; ưu tiên thu hút nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm... Mục tiêu thu hút ít nhất 02 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu USD, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 05 triệu USD/ha.

Tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao

Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới của thành phố đề ra mục tiêu đến năm 2030, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN đạt khoảng 10.000 tỷ đồng từ các dự án trong nước và 800 triệu USD từ các dự án FDI. Trong đó, tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các dự án trên 01 ha đất công nghiệp của KCN thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.

Song song đó, định hướng giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chính, tập trung thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, hiệu quả đầu tư cao, nộp ngân sách lớn.

Thành phố cũng ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.

Đồng thời, thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường; tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương và tăng thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bảo vệ môi trường, bảo tồn đất, tài nguyên dựa trên công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.

ha-2-da-nang-vlr-05072023.png
Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng là cơ quan triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Cầm - giai đoạn 2

Các đối tác thành phố tìm kiếm, xúc tiến đầu tư là các nhà đầu tư phát triển kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN có khả năng kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp đầu tư những dự án sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có số thu ngân sách lớn.

Các tập đoàn, tổng công ty, công ty có hệ thống kinh doanh trên cả nước, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế phát triển, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và các đối tác trọng tâm theo quốc gia, vùng lãnh thổ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, các nhà đầu tư đến từ các nước có nền kinh tế phát triển, các nước sở hữu công nghệ thuộc nhóm G7 bao gồm: Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý, Anh; các nước có nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Nga, Brazil... cũng sẽ được thành phố tập trung thu hút, xúc tiến đầu tư.

UBND thành phố giao Ban quản lý Khu CNC và các KCN Đà Nẵng là cơ quan đầu mối trực tiếp triển khai, kiểm tra, giám sát thực hiện nội dung phát triển hạ tầng công nghiệp và đẩy mạnh thu hút, xúc tiến đầu tư vào các KCN. Đồng thời triển khai các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật các KCN Hòa Nhơn, Hòa Ninh và Hòa Cầm - giai đoạn 2 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư.

Với những mục tiêu và định hướng đề ra tại Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các KCN mới, thành phố Đà Nẵng kỳ vọng đến năm 2030, các ngành công nghiệp - xây dựng sẽ đóng góp khoảng 31-32% trong cơ cấu GRDP của thành phố. Trong đó, cụm ngành công nghiệp CNC, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP, trở thành một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng theo định hướng của Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo danang.gov.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Logistics Đà Nẵng và một số vấn đề cần giải quyết
    Thành phố cần tiếp tục tập trung hoàn thiện chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh, năng suất lao động xã hội, năng lực của doanh nghiệp, điều chỉnh giảm mức phí, lệ phí hàng hải để thu hút tàu có trọng tải lớn vào cảng biển Đà Nẵng.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Kêu gọi “đại bàng” đầu tư vào các khu công nghiệp mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO