Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành “Đô thị cảng trong tương lai”

18/12/2017 11:29

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) giữ vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực phía Nam của Việt Nam, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Đông Nam Bộ. BR-VT nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, là điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và ngành logistics để trở thành trung tâm cảng trung chuyển nước sâu của khu vực và là một trong ít những địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển mạnh mẽ ngành logistics.

(Vietnam Logistics Review) Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) giữ vai trò cảng cửa ngõ quốc tế khu vực phía Nam của Việt Nam, là cửa ngõ ra biển Đông của vùng Đông Nam Bộ. BR-VT nằm gần tuyến hàng hải quốc tế, là điều kiện thuận lợi để phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và ngành logistics để trở thành trung tâm cảng trung chuyển nước sâu của khu vực và là một trong ít những địa phương hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển mạnh mẽ ngành logistics.

Về cơ sở hạ tầng, tỉnh BR-VT hội tụ đầy đủ các tiền đề, mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt đã và đang được quy hoạch để từng bước đầu tư đồng bộ kết nối liên hoàn với mạng lưới giao thông khu vực thuận tiện như đường cao tốc Biên Hòa - Long Thành - Dầu Giây, đường liên cảng, hệ thống đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu đã được quy hoạch cùng sân bay Long Thành, đường cao tốc xuyên Á/hành lang kinh tế phía Nam… Là những cộng hưởng tạo thế mạnh kết nối mạng lưới liên thông giữa BR-VT và khu vực.

Bên cạnh đó, tỉnh BR-VT hiện có 15 KCN với hơn 294 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 14,694 tỷ USD. Tổng diện tích thuê đất của các dự án hơn 1.969ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 34,45% trên tổng số KCN và 70,63% số KCN đã xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch phát triển hệ thống các đô thị để kết nối trong một không gian thống nhất kết hợp với những đô thị và địa phương khác trong vùng tạo thành hành lang kinh tế công nghiệp – cảng biển đồng bộ.

Có thể thấy rằng đây là một lợi thế so sánh mà rất ít địa phương có được. Vì vậy để nhanh chóng đưa hệ thống cảng này vào đúng tiềm lực vốn có, ngày 2.8.2017 UBND tỉnh BR-VT ban hành quyết định số 2143/QĐ-UBND về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, trong đó tập trung vào những vấn đề sau:

Với mục tiêu tổng quát là phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước nói chung và cho BR-VT nói riêng, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Để phấn đấu xây dựng tỉnh BR-VT trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ, UBND tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp và giao cho các cơ quan chức năng thực hiện đúng lộ trình từ nay đến năm 2025:

Một là, triển khai các chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics:

Rà soát, triển khai các văn bản pháp luật về phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với quy định của Trung ương, với tình hình thực tế và điều kiện hội nhập quốc tế hiện nay. Nghiên cứu, áp dụng triệt để có hiệu quả các chính sách, pháp luật về phát triển dịch vụ logistics nhằm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động logistics.

Hai là, đầu tư hạ tầng logistics:

Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics của cảng và mạng lưới kết nối nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm thiểu chi phí cho hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng cảng. Tập trung thu hút đầu tư và đưa vào hoạt động các trung tâm logistics, ICD ngay sau hệ thống cảng nhằm định hình chuỗi cung ứng và tạo sự ổn định nguồn hàng phục vụ hệ thống cảng biển và nâng cao năng lực logistics (LPI).

Xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics có quy mô hiện đại phục vụ cho khu cảng Cái Mép và khu dự trữ Sao Mai - Bến Đình; trong đó tập trung và phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép hạ được đầu tư đồng bộ, nhằm nâng cao hiệu quả, tăng tính kết nối thu hút các nguồn hàng xuất nhập khẩu, trung chuyển giữa tỉnh BR-VT với các tỉnh phía Nam và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số tỉnh của Campuchia, Thái Lan và phấn đấu đưa BR-VT trở thành đầu mối, trung tâm logistics của vùng.

Ba là, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ:

Khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành chủ lực của tỉnh áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến như: Ngành dệt may xuất khẩu, ngành hải sản, ngành công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng,... nhằm tạo chân hàng cho cảng biển. Từng bước tạo điều kiện cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu, nâng cao tính cạnh tranh do giảm chi phí vận chuyển gần cảng nhằm tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Bốn là, phát triển thị trường dịch vụ logistics:

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại dịch vụ logistics; thu hút nguồn hàng từ các nước Lào, Campuchia, Thái Lan vào Việt Nam và ngược lại; hỗ trợ nâng cao hiệu quả khai thác, mở rộng nguồn hàng...

Khuyến khích sự liên doanh, liên kết, cộng tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh, trên cơ sở khai thác, sử dụng thế mạnh hiện có của các doanh nghiệp (cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống thông tin...) để triển khai, phát triển dịch vụ logistics và mở rộng tầm hoạt động của các doanh nghiệp.

Năm là, đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực:

Đào tạo nguồn nhân lực ngành logistics nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương. Có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo đẩy mạnh công tác đào tạo với nhiều hình thức linh hoạt, cung cấp nhân lực đáp ứng cho ngành.

Mục tiêu phát triển dịch vụ logistics cụ thể đến năm 2025

- Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân giai đoạn 2016-2020 là 6,65%, giai đoạn 2020-2025 là 8%. Nâng cao giá trị hoạt động logistics, giảm chi phí logistics, phấn đấu tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đến năm 2020 là khoảng 50%.

- Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 350 triệu tấn, bình quân khoảng 70 triệu tấn/năm. Giai đoạn 2020-2025 đạt bình quân 100 triệu tấn/năm.

- Tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh tại khu vực huyện Tân Thành và thành phố Vũng Tàu, nhằm nâng cao hiệu quả kết nối giữa tỉnh BR-VT với các tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực.

- Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước, ứng dụng các công nghệ mới trong phát triển dịch vụ logistics, tổ chức đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có đủ trình độ về logistics, góp phần thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại, tái cấu trúc hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.

Ngoài ra, tỉnh còn tập trung các nhiệm vụ khác như: Đầu tư trang thiết bị kiểm tra, đo lường và kiểm định phương tiện phục vụ hoạt động logistics. Xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics. Triển khai thực hiện có hiệu quả các Đề án, quy hoạch và chương trình liên quan khác…

Theo lộ trình, BR-VT sẽ phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng các doanh nghiệp và nhà đầu tư, kỳ vọng BR-VT phát triển thành “đô thị cảng trong tương lai gần” sẽ trong tầm tay.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành “Đô thị cảng trong tương lai”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO