Vận tải hàng hóa qua biên giới cần hợp lực tốt hơn

20/12/2016 14:28

(VLR) (Vietnam Logistics Review) Quyết tâm chính trị về các vấn đề kinh tế, thương mại của các nhà lãnh đạo khu vực thể hiện qua các Hội nghị quốc tế diễn ra trong tháng 10 và 11 vừa qua đã cho thấy tinh thần kết nối, tạo thuận lợi cho việc phát triển vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ (VTHHQBGBĐB) giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong như là một đòn bẩy kinh tế, góp phần cho thịnh vượng chung của khu vực. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của tuyến vận tải này vẫn chưa như kỳ vọng, cần sự hợp lực tốt hơn.

(Vietnam Logistics Review)Quyết tâm chính trị về các vấn đề kinh tế, thương mại của các nhà lãnh đạo khu vực thể hiện qua các Hội nghị quốc tế diễn ra trong tháng 10 và 11 vừa qua đã cho thấy tinh thần kết nối, tạo thuận lợi cho việc phát triển vận tải hàng hóa qua biên giới bằng đường bộ (VTHHQBGBĐB) giữa các nước trong Tiểu vùng Mekong như là một đòn bẩy kinh tế, góp phần cho thịnh vượng chung của khu vực. Tuy nhiên, thực trạng hoạt động của tuyến vận tải này vẫn chưa như kỳ vọng, cần sự hợp lực tốt hơn.

Về hoạt động VTHHQBGBĐB hiện nay

Hoạt động VTHHQBGBĐB giữa Việt Nam (VN) với các nước láng giềng bao gồm vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa quá cảnh, chuyển tải.

Các cặp cửa khẩu quốc tế cho phép hoạt động VTHHQBGBĐB hiện nay giữa VN với Trung Quốc là 7, với Lào là 8 và với Campuchia là 10. Trong đó, các cặp cửa khẩu hoạt động chính giữa VN và Trung Quốc là Móng Cái - Đông Hưng, Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan và Lào Cai - Hà Khẩu; giữa VN và Lào là Lao Bảo - DanSaVanh, Cầu Treo - Nậm Phao; giữa VN và Campuchia là Mộc Bài - Bà Vẹt, Tịnh Biên - Phnom Den và Xa Mát - Trapeing Phlong.

Ngày 17.11.2016, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có công văn hướng dẫn việc thực hiện Hiệp định GMSCBT, trong Phụ lục kèm theo quy định rất rõ về Danh mục Hành lang/ Tuyến đường và cặp cửa khẩu biên giới thực hiện Hiệp định GMS-CBT của VN.

Hiện tại, các công ty VN cung cấp dịch vụ logistics hoạt động vận chuyển hàng hóa qua các cặp cửa khẩu nói trên nổi bật là Công ty cổ phần Đầu tư Bắc Kỳ - Hà Nội, Công ty Dịch vụ Giao nhận Vận tải Quốc tế (Intertrans) - Hà Nội, Công ty Asiatrans Việt Nam - Đà Nẵng, Công ty T&M Forwarding TP. Hồ Chí Minh, Công ty Interlog TP. Hồ Chí Minh và Công ty TNHH KART Việt Nam. Các công ty của Trung Quốc như XJH Logistics Co.,Ltd., Zhen Yang Logistics Co. Ltd., Các công ty của Nhật Bản là Japan Logitem, Nippon Express, Yusen Logistics (Savannakhet/Hanoi), Nishin, Japan Logitem (Savannakhet/Da Nang), Sojitz Logistics, Sankyu, Konoike (Phnom Penh/Ho Chi Minh (Vũng Tàu).

Hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng hóa quá cảnh bằng đường bộ của nước ta đều qua các cặp khửa khẩu chính trên đây. Trong đó đáng chú ý là tuyến quá cảnh VN - Trung Quốc từ Thẩm Quyến - Bắc Ninh - Viên Chăn - Bangkok và ngược lại.

Hàng hóa quá cảnh và số lượng xe tham gia hoạt động quá cảnh hiện nay còn khiêm tốn. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2015, về phương tiện vận tải có 922,2 nghìn lượt xuất nhập cảnh, trong đó 463,5 nghìn xuất cảnh và 458,7 nghìn nhập cảnh (bao gồm cả xe vận chuyển hành khách).

Kim ngạch thương mại VN - Lào năm 2015 chỉ đạt mức 1,122 tỷ USD. Hai bên phấn đấu đến năm 2020 đạt 5 tỷ USD. Số lượng hàng hóa và phương tiện vận chuyển qua cửa khẩu Lao Bảo - Dansavanh đang giảm dần.

Trong khi đó kim ngạch thương mại của VN – Campuchia năm 2014: Xuất khẩu 0,6 tỷ USD và nhập khẩu 2.7 tỷ USD. Hàng chuyển tải qua VN khoảng 3 tỷ USD. VN là điểm chuyển tải cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái và hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ và EU qua khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải. Việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu và hàng quá cảnh, chuyển tải giữa hai nước được thực hiện bằng đường bộ là chủ yếu và đường sông bằng xà lan. Năm 2015, số lượng hàng container qua cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt bằng xe tải hai chiều là 75.886 lượt xe và hàng rời là 3.994 lượt xe, tổng cộng là 79.880 lượt xe. Số lượng hàng containers vận chuyển bằng xà lan hai chiều là 38.380 container (20’ và 40’).

Theo một nghiên cứu của Dream Incubator Vietnam JSC thì thời gian vận tải bằng đường bộ từ Bangkok - Hà Nội là 2-4 ngày, trong khi đó bằng đường biển phải mất từ 10-15 ngày. Tuy nhiên, chi phí để vận chuyển một container 40 feet của đường bộ cao gấp 3 lần đường biển.

Ý kiến từ đại diện các nước Tiểu vùng Mekong

- Thái Lan: Thách thức trong hoạt động vận tải qua biên giới giữa các nước Tiểu vùng Mekong là phương tiện không chạy liên tục, phải chuyển đổi đầu kéo, rơ móc; sự khác nhau giữa các nước trong khu vực về kết cấu hạ tầng, về điều kiện thủ tục cho hàng hóa và phương tiện ở cửa khẩu còn phức tạp; việc bảo hiểm hàng hóa, phương tiện còn khác nhau. Đây là cản trở cho việc phát triển VTHHQBGBĐB hiện nay giữa các nước Tiểu vùng Mekong.

- Myanmar: Myanmar đang thúc đẩy vận tải đa phương thức, giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia VTHHQBGBĐB trong khu vực. Myanmar sẽ có hai tuyến Kyauk Phyu đi Hà Nội và Mawlamying đi Đà Nẵng. Giữa các nước Tiểu vùng Mekong cần hài hòa các tiêu chuẩn về phương tiện, thủ tục tại cửa khẩu cần hiệu quả hơn; tiến hành thường xuyên việc trao đổi thông tin liên quan đến VTHHQBGBĐB giữa các bên liên quan. Vấn đề hạn chế nhất là kết cấu hạ tầng không đồng đều giữa các nước Tiểu vùng Mekong và nguồn hàng còn quá ít.

- Lào: Chi phí ngoài luồng còn cao khi giải quyết các thủ tục, sẽ tác động tiêu cực lên toàn bộ hoạt động của tuyến vận tải hàng hóa này.

- Dream Incubator Vietnam JSC: Thời gian làm các thủ tục tại cửa khẩu biên giới chiếm tới 1/3 tổng thời gian vận chuyển. Ví dụ thời gian vận chuyển từ Bangkok đến Hà Nội quá cảnh qua Lào hết 74 giờ, trong đó thời gian dành cho xếp/dỡ hàng và vận tải là 47 giờ, chiếm 64%, còn thời gian làm thủ tục hải quan và thủ tục liên quan cộng với chờ đợi là 27 giờ, chiếm 36%. Đây là vấn đề cần tập trung giải quyết để VTHHQBGBĐB có hiệu quả.


(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Vận tải hàng hóa qua biên giới cần hợp lực tốt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO