Căng thẳng cảng biển Mỹ: Giá cước hàng không trước nguy cơ tăng vọt?

Phong Lê|02/10/2024 16:28

(VLR) Các cuộc đình công tại các cảng bờ Đông và vùng Vịnh Mỹ đã bắt đầu, kéo theo dự báo về sự gia tăng giá cước và nhu cầu vận chuyển hàng không trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đình trệ.

ppp.jpg
Các cuộc đình công tại các cảng Bờ Đông và vùng Vịnh (Mỹ ) kéo theo dự báo về sự gia tăng giá cước và nhu cầu vận chuyển hàng không trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị đình trệ

Cuộc đình công lan rộng và nguy cơ cho chuỗi cung ứng

Từ đêm qua, các cảng container và ro-ro ở bờ Đông và vùng Vịnh Mỹ đã bước vào cuộc đình công quy mô lớn với hơn 45.000 thành viên của Hiệp hội Công nhân Bốc xếp Quốc tế (ILA) tham gia, sau khi các cuộc đàm phán với các chủ cảng không đạt được thỏa thuận. Các cảng này xử lý hơn một nửa lượng hàng container của Mỹ, từ Maine đến Texas, và dự kiến cuộc đình công sẽ làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng tại đây.

Scan Global Logistics (SGL), một công ty giao nhận hàng hóa quốc tế, cho biết họ vẫn đang tiếp nhận đơn đặt hàng vận tải đường biển tới bờ Đông nhưng khuyến cáo khách hàng xem xét các giải pháp thay thế như vận chuyển qua bờ Tây, sau đó kết hợp với vận tải đường bộ. Điều này nhằm tránh các tác động trực tiếp từ đình công, vốn có thể gây ra sự chậm trễ và ảnh hưởng đến các lô hàng quan trọng.

SGL cũng khuyến nghị khách hàng nên cân nhắc sử dụng các dịch vụ vận tải hàng không hoặc kết hợp giữa đường biển và hàng không để giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, các hãng vận tải bắt đầu thông báo về các phụ phí liên quan đến đình công, phản ánh tình trạng căng thẳng gia tăng trong ngành vận tải.

Công ty giao nhận Flexport dự báo rằng mỗi ngày đình công sẽ gây ra 5-10 ngày tích lũy hàng hóa tại các cảng, làm tăng khả năng thiếu hụt nguồn cung và kéo dài thời gian giao hàng. Nếu cuộc đình công kéo dài hơn một tuần, tình trạng thiếu hụt năng lực vận tải sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, gây ra sự đình trệ kéo dài.

Trong thông báo gửi đến khách hàng, Flexport khuyến cáo: “Xem xét lại toàn bộ hàng tồn kho đang trên đường tới các cảng bờ Đông và vùng Vịnh, đồng thời tiến hành đánh giá rủi ro. Quyết định quan trọng là liệu có nên tái đặt hàng cho các mã SKU quan trọng và chuyển hướng qua bờ Tây trước khi giá cả tăng, hoặc chuyển chúng qua đường hàng không để giảm thiểu rủi ro.”

Lựa chọn hàng không trong cao điểm mùa lễ

Cuộc đình công diễn ra ngay trước mùa mua sắm cuối năm, thời điểm mà nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao. Các doanh nghiệp có thể buộc phải chuyển sang phương thức vận tải hàng không để đảm bảo hàng hóa đến kịp thời, dẫn đến giá cước vận tải hàng không có khả năng tăng vọt trong một thị trường vốn đã bị căng thẳng.

Hiện vẫn chưa rõ cuộc đình công sẽ kéo dài bao lâu. Một đề xuất tăng lương 50% trong vòng sáu năm từ Hiệp hội Các nhà vận hành cảng biển Mỹ (USMX) đã bị ILA từ chối vào phút chót, mặc dù hai bên đã quay lại bàn đàm phán. Các báo cáo cho thấy rằng USMX và ILA đã bắt đầu trao đổi các đề xuất mới liên quan đến mức lương, với hy vọng sẽ tiếp tục đàm phán về các vấn đề còn lại để đạt được thỏa thuận.

Ngoài yêu cầu tăng lương, công đoàn ILA cũng bày tỏ lo ngại về việc tự động hóa các chức năng tại cảng, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc làm của công nhân. Đề xuất của USMX bao gồm tăng lương gần 50%, gấp ba lần mức đóng góp của chủ lao động vào quỹ hưu trí, và giữ nguyên các điều khoản liên quan đến tự động hóa và bán tự động.

Cuộc khủng hoảng hậu đình công và tác động lâu dài

Cuộc đình công tại các cảng lớn của Mỹ đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với chuỗi cung ứng và các ngành công nghiệp liên quan. Các ngành như bán lẻ, ô tô và sản xuất sẽ chịu tác động nặng nề nhất, khi sự gián đoạn tại các cảng có thể làm chậm trễ các lô hàng quan trọng, tăng chi phí và làm gián đoạn lịch trình giao hàng.

logistics-means-transport-together-with-technological-futuristic-holograms-1-.jpg
Các doanh nghiệp này nếu không thay đổi lộ trình vận chuyển và đảm bảo nguồn cung container ngay bây giờ, có nguy cơ bị “mắc kẹt” trong tình trạng tắc nghẽn và chi phí cao

Christian Roeloffs, đồng sáng lập và CEO của Container xChange, nhận định rằng các doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi sự tăng giá và sự chậm trễ kéo dài trong việc vận chuyển container. Các doanh nghiệp này, nếu không thay đổi lộ trình vận chuyển và đảm bảo nguồn cung container ngay bây giờ, có nguy cơ bị “mắc kẹt” trong tình trạng tắc nghẽn và chi phí cao".

Ngành bán lẻ, vốn đang gấp rút nhập hàng để chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm, sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hàng và trễ hạn giao hàng nếu không có kế hoạch dự phòng. Ngành công nghiệp ô tô, phụ thuộc vào việc giao nhận kịp thời các linh kiện, có thể sẽ chứng kiến sự chậm trễ trong sản xuất, đặc biệt đối với các phương tiện được lắp ráp tại Mỹ với các linh kiện nhập qua các cảng bờ Đông.

Cuộc đình công có thể là một "giọt nước tràn ly" cho nhiều doanh nghiệp, khi mà mỗi ngày đình công có thể kéo dài thêm năm ngày chậm trễ, gây ảnh hưởng nặng nề đến biên độ lợi nhuận và tiến độ sản xuất vốn đã bị thu hẹp. Đối với các doanh nghiệp, đây không chỉ là một cuộc khủng hoảng tạm thời, mà còn là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải đa dạng hóa phương thức vận tải và chuẩn bị tốt hơn cho các rủi ro trong chuỗi cung ứng.

Bài liên quan
  • Đông Nam Á: Trung tâm mới của chuỗi cung ứng toàn cầu
    Đông Nam Á đang nhanh chóng nổi lên như một trung tâm sản xuất quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi các nhà sản xuất tìm cách đa dạng hóa nguồn cung ứng và hạn chế rủi ro, các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Thái Lan đang thu hút ngày càng nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng cảng biển Mỹ: Giá cước hàng không trước nguy cơ tăng vọt?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO