Đoàn công tác Chính phủ có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương gồm: Phó Tổng tham mưu trưởng, Bộ Quốc phòng Trung tướng Nguyễn Doãn Anh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung; Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn; Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cùng các đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng.
Tiếp và làm việc với đoàn có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh; Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Quán triệt buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị địa phương báo cáo tổng quan về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản lý nhà nước, giải ngân đầu tư công, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng… về kết quả, thuận lợi cũng như khó khăn. Thông qua đó, để đoàn công tác có căn cứ đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, đồng thời có hướng tháo gỡ kịp thời cho những khó khăn, vướng mắc của địa phương hiện tại. Qua đó, làm cơ sở báo cáo, tham mưu lên cấp trên để có những chính sách, chiến lược phát triển địa phương trong thời gian tới.
Trong buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các thành viên đoàn công tác Chính phủ đã nghe lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước báo cáo tình hình sản xuất xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2023 và kết quả giải quyết các kiến nghị của tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi làm việc, với quyết tâm cao trong chỉ đạo và điều hành và tinh thần “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, đến nay tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 của Bình Phước tăng 7,27%, đây là mức tăng cao nhất so với vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 14 so với cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp, hoạt động bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đều tăng; công tác thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), phát triển doanh nghiệp và phát triển hợp tác xã có nhiều khởi sắc. Lĩnh vực văn hóa - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, công tác an sinh xã hội được chú trọng, đời sống người dân được cải thiện. Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Bình Phước năm 2022 tăng 7 bậc so với năm 2021, đứng thứ 43/63 tỉnh thành.