THỊ TRƯỜNG MỚI NỔI – ĐỘNG LỰC TIÊU DÙNG MỚI
UAE và Ả Rập Saudi: Cửa ngõ Trung Đông
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang nổi lên như một trung tâm trung chuyển và tái xuất hàng hóa quan trọng nhất khu vực Trung Đông. Nền kinh tế mở, hệ thống logistics hiện đại, và dân số trẻ khiến UAE trở thành điểm đến hấp dẫn cho sản phẩm giày dép thời trang. Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE năm 2024 đạt hơn 900 triệu USD, trong đó nhóm hàng tiêu dùng chiếm tỷ trọng tăng nhanh.

Ả Rập Saudi – nền kinh tế lớn nhất trong khu vực GCC, với dân số gần 36 triệu người – đang chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ về hành vi tiêu dùng. Theo dữ liệu từ Trung tâm WTO – VCCI, tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh cùng với sự bùng nổ ngành bán lẻ tại nước này đã tạo ra nhu cầu lớn cho các sản phẩm thời trang, giày dép, phụ kiện.
Brazil và Mexico: Cơ hội tại Mỹ Latinh
Brazil là nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, với dân số hơn 210 triệu người. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Brazil đạt hơn 2,5 tỷ USD, tăng 17% so với năm trước, trong đó giày dép là mặt hàng đang mở rộng thị phần. Điểm mạnh của thị trường Brazil là thói quen tiêu dùng hướng đến thiết kế cá tính và sử dụng hàng thời trang giá vừa phải – phù hợp với thế mạnh của Việt Nam.
Mexico, với dân số gần 130 triệu người và vai trò là thành viên CPTPP, là cửa ngõ quan trọng để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào khu vực Bắc Mỹ. Hiệp định CPTPP giúp hàng hóa Việt Nam vào Mexico được miễn hoặc giảm mạnh thuế quan, đặc biệt với các sản phẩm giày dép làm từ vật liệu tổng hợp và cao su.
Ai Cập và thị trường châu Phi: Tiềm năng đang mở ra
Châu Phi hiện được xem là “biên giới mới” của thương mại toàn cầu. Tại đây, dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh và xu hướng tiêu dùng hiện đại hóa đang tạo ra cơ hội lớn. Ai Cập, với hơn 110 triệu dân và vị trí địa lý kết nối ba châu lục, là điểm đến chiến lược trong chiến lược tiếp cận châu Phi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
Tại Diễn đàn Xúc tiến Thương mại Việt Nam – châu Phi 2024 do Bộ Công Thương tổ chức, nhiều chuyên gia nhận định ngành da giày có tiềm năng phát triển mạnh tại khu vực này trong 5 năm tới, nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nhu cầu tiêu dùng và điều chỉnh chiến lược tiếp thị phù hợp.
LỢI THẾ CẠNH TRANH TỪ VIỆT NAM
Các thị trường mới nổi nói trên đều có một điểm chung: dân số trẻ, tầng lớp trung lưu mở rộng, tốc độ đô thị hóa nhanh và xu hướng thời trang hóa trong tiêu dùng. Đây là những điều kiện lý tưởng cho hàng Việt Nam, đặc biệt là da giày – túi xách, vốn có ưu thế về tay nghề, mẫu mã, chi phí cạnh tranh và tốc độ sản xuất.
.png)
Thêm vào đó, nhờ tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKVFTA và sắp tới là FTA với UAE, các doanh nghiệp Việt đang sở hữu lợi thế lớn về thuế quan khi tiếp cận các thị trường này.
TỪ TƯ DUY TRUYỀN THỐNG ĐẾN CHIẾN LƯỢC KHU VỰC
Thay vì tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ, nhiều doanh nghiệp da giày – túi xách Việt Nam đã bắt đầu xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường theo hướng khu vực hóa và phân khúc hóa. Tư duy “một sản phẩm – nhiều thị trường” đã dần được thay thế bằng cách tiếp cận “mỗi thị trường – một chiến lược riêng”.
Ở các thị trường như Trung Đông hay châu Phi, điều quan trọng không nằm ở việc đưa được hàng hóa vào, mà là làm sao để sản phẩm “sống được” trong hệ sinh thái tiêu dùng bản địa. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu thành công khi chuyển từ mô hình OEM đơn thuần sang phát triển dòng sản phẩm mang màu sắc văn hóa địa phương, từ thiết kế mẫu mã đến định vị giá và kênh phân phối.
Ngoài ra, việc đầu tư vào kênh thương mại điện tử xuyên biên giới kết hợp với mạng lưới đại lý tại chỗ đang trở thành một lựa chọn hiệu quả để tiết kiệm chi phí, thử nghiệm thị trường và thu thập dữ liệu tiêu dùng. Một số doanh nghiệp đã ứng dụng nền tảng phân tích dữ liệu để điều chỉnh chiến lược marketing theo từng khu vực, giúp gia tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nhiều thị trường mới đang chuyển mình mạnh mẽ về xu hướng tiêu dùng.
.png)
Chuyển đổi thành công đòi hỏi sự đầu tư bài bản, từ nghiên cứu thị trường, đào tạo nguồn nhân lực am hiểu văn hóa địa phương, cho đến xây dựng chuỗi cung ứng linh hoạt. Đây không còn là bước đi mang tính thử nghiệm, mà đã trở thành chiến lược dài hạn của nhiều doanh nghiệp tiên phong, sẵn sàng thích nghi với “luật chơi mới” trong thương mại toàn cầu.
ĐÃ ĐẾN LÚC MỞ RỘNG “GIỎ TRỨNG”
Phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống không còn là chiến lược an toàn trong môi trường thương mại đầy biến động. Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu không chỉ giúp giảm rủi ro từ rào cản chính sách như thuế nhập khẩu đối ứng từ Mỹ, mà còn tạo ra cơ hội mở rộng năng lực sản xuất và xây dựng thương hiệu Việt tại các thị trường đang phát triển.
Doanh nghiệp nào dám thử sức, dám đầu tư cho dài hạn và thích ứng nhanh với xu thế tiêu dùng toàn cầu sẽ là những người dẫn đầu trong hành trình vươn ra thế giới mới của ngành da giày Việt Nam.