Tại cuộc họp, ông Peter Portheine – Giám đốc Chương trình các TPTM của Brainport Eindhoven (Hà Lan), thành viên Ban điều hành đã thông tin những cơ hội, thách thức đối với các quốc gia do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới. Những thuận lợi đối với tỉnh Bình Dương trong xây dựng TPTM như Bình Dương tích cực triển khai các giải pháp đón đầu xu hướng công nghiệp 4.0; mở rộng phát triển các loại hình dịch vụ; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đô thị phát triển theo hướng bền vững…
Đồng thời cho biết, giai đoạn 2016-2021, Bình Dương đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế liên tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, GDP bình quân đầu người tăng, tỷ lệ đô thị hóa đạt 82% theo định hướng xây dựng TPTM, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo không ngừng phát triển… Đây là nền tảng vững chắc để Bình Dương xây dựng Đề án TPTM cho giai đoạn 2022-2030 lên tầm cao mới, đó là tập trung mạnh vào cân bằng giữa phát triển kinh tế với tiến bộ xã hội và tăng trưởng xanh.
Đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2022-2030 tiếp tục bao gồm 04 lĩnh vực (con người - công nghệ - kinh doanh - yếu tố nền tảng) như giai đoạn 2016-2021, tuy nhiên những lĩnh vực này sẽ được điều chỉnh để phù hợp với tình hình hiện tại và những thách thức lớn phía trước. Đồng thời, Đề án Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương được tích hợp trong chiến lược TPTM mới giai đoạn 2022-2026. Tiếp tục áp dụng mô hình ba Nhà (Nhà nước-Nhà trường và Nhà doanh nghiệp) trong xây dựng TPTM.
Báo cáo nhiệm vụ triển khai xây dựng TPTM trong thời gian tới, đại diện các sở ngành cho biết, dựa trên kế hoạch chung của tỉnh, các đơn vị đang triển khai xây dựng các chương trình, dự án trọng tâm của ngành mình, trong đó tập trung vào công tác chuyển đổi số, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính...
Đồng thời đề xuất những dự án, giải pháp thực hiện trong giai đoạn tới như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương và vùng, giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình; lấy yếu tố con người làm nền tảng trong thực hiện các dự án; phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường và doanh nghiệp trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo; xây dựng các khu công nghiệp sinh thái…
Qua ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng đánh giá cao kế hoạch triển khai xây dựng TPTM của các sở ngành trong thời gian tới. Ông đề nghị, các cơ quan, đơn vị tập trung góp ý dự thảo Đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2022-2030, bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn này của từng sở, ngành để đạt được mục tiêu Đề án đề ra.