Tận dụng tối đa cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra

Trần Mạnh|22/11/2023 20:25

Sáng 22/11, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái họp trực tuyến với các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh về tình hình, giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ các khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính và các vấn đề khác trên địa bàn các tỉnh.

ha-1-tckt-vlr-22112023.png
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước tận dụng tối đa cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra. Ảnh VGP

Bình Phước, Tây Ninh dẫn đầu vùng Đông Nam bộ về tốc độ tăng trưởng GRDP

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tốc độ tăng trưởng (GRDP) 9 tháng của Bình Phước là 7,36% đứng đầu vùng, đứng thứ 17/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và Tây Ninh là 5,35% đứng thứ 2 trong vùng, đứng thứ 38/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cao hơn bình quân chung của cả nước 4,24%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của các địa phương đều tăng so với cùng kỳ, so với cùng kỳ năm trước: Bình Phước tăng 8,89%, Tây Ninh tăng 8,27%. Hoạt động xuất khẩu có dấu hiệu hồi phục, tăng trưởng trở lại, lũy kế 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Phước đạt 3,350 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ, tỉnh Tây Ninh đạt 4,830 tỷ USD, giảm 11,5% so với cùng kỳ.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn của các địa phương đều giảm so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ sự khó khăn của thị trường bất động sản, thu thuế giá trị gia tăng của khu vực đầu tư nước ngoài đạt thấp. Trong đó, thu ngân sách Nhà nước 10 tháng của tỉnh Bình Phước đạt 9.159 tỷ đồng, đạt 65% dự toán, giảm 24% so với cùng kỳ; tỉnh Tây Ninh đạt 9.243 tỷ đồng, đạt 84,03% dự toán, giảm 8,54% so với cùng kỳ.

Số doanh nghiệp thành lập mới của 2 địa phương là 1.585 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 18.420 tỷ đồng. 

Các địa phương đều thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm.

Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 cho 2 địa phương là: 11.486,275 tỷ đồng. 

Các địa phương đã phân bổ chi tiết đến thời điểm báo cáo là 9.646,190 tỷ đồng và đã giải ngân đến hết tháng 10/2023 là 6.620,946 tỷ đồng, đạt khoảng 61,68%, cao hơn bình quân chung cả nước là 56,74%.

Sau khi nghe báo cáo của tỉnh Bình Phước, Tây Ninh và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện các bộ, ngành: Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo đã phát biểu giải thích, làm rõ các nội dung liên quan đến việc giải quyết các kiến nghị cũng như lưu ý một số nhiệm vụ 2 địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Trao đổi tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm và Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Mạnh Cường cơ bản thống nhất với ý kiến giải đáp, góp ý của các bộ, ngành; cảm ơn Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, giải quyết các vấn đề của địa phương. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Tây Ninh báo cáo thêm về việc bố trí vốn cho khu Cửa khẩu quốc tế Tân Nam. 

Lãnh đạo tỉnh Bình Phước báo cáo rõ thêm về vấn đề thu ngân sách, (hụt thu tiền sử dụng đất hơn 3000 tỷ, do vướng mắc về quy định về đấu giá đất và thị trường bất động sản đi xuống). Đồng thời Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cũng báo cáo về quy hoạch mỏ bô xít trên địa bàn tỉnh, đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện vấn đề này.

ha-2-tckt-22112023.png
Nếu phát sinh vướng mắc, trao đổi ngay với lãnh đạo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ. Ảnh VGP

Quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2023, tạo cơ sở để "tăng tốc" trong năm 2024

Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao sự chuẩn bị của hai địa phương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu toàn bộ các ý kiến, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ (cùng 25 tổ công tác khác) kịp thời, đúng quy định.

Phó Thủ tướng đánh giá, mặc dù tình hình kinh tế chung gặp khó khăn, nhưng các ngành, các cấp, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tình hình kinh tế - xã hội các địa phương nói chung, hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Trong đó, tăng trưởng GRDP của Bình Phước đứng đầu vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Tây Ninh đứng thứ 2 trong vùng, cao hơn trung bình cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tây Ninh cơ bản đạt được các chỉ tiêu đề ra. Đối với Bình Phước việc thu ngân sách gặp khó khăn, chủ yếu liên quan đến nguồn thu từ tiền sử dụng đất do gặp vướng mắc về thủ tục. Nhưng nhìn chung, tình hình KT-XH của 2 tỉnh so với cả nước thì "có thể yên tâm".

Thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước bám sát và tập trung thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tận dụng tối đa cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh để quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra trong năm 2023, tạo cơ sở để "tăng tốc" trong năm 2024.

Đối với các bộ ngành, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đánh giá, phân loại các kiến nghị của địa phương thật chi tiết, cụ thể, qua đó làm rõ kiến nghị nào đã giải quyết, chưa giải quyết được, lý do vì sao, thẩm quyền thuộc cấp nào. Phải làm đúng quy định pháp luật, có sự phối hợp, thống nhất, với nhau trong chuỗi công việc để thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Nếu phát sinh vướng mắc, trao đổi ngay với lãnh đạo Chính phủ để kịp thời tháo gỡ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái lưu ý 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, trong quá trình xử lý, giải quyết công việc, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc đối với Trung ương, đề nghị lãnh đạo địa phương thông báo, trao đổi ngay với các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ để phối hợp cùng xử lý, đảm bảo giải quyết nhanh, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đối với những kiến nghị cụ thể của 2 tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, tiếp thu, trao đổi rõ theo thẩm quyền.

Đối với kiến nghị liên quan đến Khu công nghiệp Hiệp Thạnh của Tây Ninh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh nội dung, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 11/2023.

Về đầu tư khu Cửa khẩu quốc tế Tân Nam, Tây Ninh, nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, nếu không trái quy định của pháp luật thì xem xét, đề xuất sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương để triển khai.

Đối với kiến nghị của tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số10/2023/NĐ-CP của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai để tháo gỡ vướng mắc cho Bình Phước cũng như cho các địa phương khác.

Về quy hoạch mỏ bô xít trên địa bàn tỉnh Bình Phước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và địa phương làm rõ kế hoạch triển khai thực hiện, đánh giá kỹ lưỡng tác động đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội và hiệu quả kinh tế, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo chinhphu.vn
Copy Link
Bài liên quan
  • Bình Phước: Thị trường bất động sản có nhiều cơ hội phát triển
    Hội thảo chuyên đề “Triển khai cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành: Bất động sản đón sóng đầu tư” vừa diễn ra tại TP Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, các diễn giả đều nhận định, dòng vốn khơi thông, hạ tầng giao thông được đầu tư, pháp lý được tháo gỡ sẽ giúp gia tăng giá trị bất động sản tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Vietnam Logistics Review
Đừng bỏ lỡ
Tận dụng tối đa cơ hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh, quyết tâm đạt mức cao nhất các mục tiêu đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO